Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bằng cấp hay thực học, thực làm ?

(11:44:37 AM 03/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Kiến thức sinh viên học trong trường là những điều họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp, còn những gì thực sự cần thiết mà thế giới việc làm đòi hỏi cho công việc tương lai thì họ lại không được học

Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên (SV) thuộc 5 khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006- 2010) của 3 ĐH: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số đáng báo động.


Bằng cấp hay thực học, thực làm ?

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP HCM) trong lễ tốt nghiệp Ảnh: GIA thùy

 
Những con số biết nói


Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù khái niệm việc làm ở đây được hiểu rất rộng là bất cứ công việc gì tạo ra thu nhập, không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công; 42% lựa chọn một giải pháp an toàn là… tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác.

 

Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%. Các khảo sát trên đây đa số được thực hiện tại các trường “đầu tàu” của Việt Nam, còn ở những trường ĐH khác có lẽ kết quả còn báo động hơn.


Những con số trên đây đã cho thấy ít nhất là hai vấn đề nghiêm trọng. Thứ nhất, chất lượng giáo dục hiểu theo ý nghĩa hẹp nhất là năng lực, kỹ năng thụ đắc được sau quá trình 4 năm học ở bậc ĐH, đã thấp đến nỗi hơn 1/4 SV sau khi ra trường từ 1-5 năm vẫn chưa tìm được việc làm, kể cả những việc trái ngành nghề hay những việc không cần được đào tạo ở bậc ĐH.


Thứ hai, giữa nhà trường và thế giới việc làm bên ngoài đang có một khoảng cách quá lớn. Trong lúc các doanh nghiệp (DN) không ngớt than phiền thiếu người làm được việc và khẳng định nguồn nhân lực có chất lượng cao đang là chỗ “thắt cổ chai” cản trở những kế hoạch phát triển của họ thì cử nhân mà các trường ĐH tạo ra vẫn không lấp được chỗ trống ấy vì họ được học trong trường những điều mà họ không mấy khi dùng được trong thực tế nghề nghiệp.


Đó là một sự lãng phí vô cùng to lớn. Bốn năm học ĐH của một SV đối với nhiều gia đình nông dân là một hy sinh lớn lao. Học phí ĐH ở Việt Nam dù thấp cũng vẫn là gánh nặng với bao nhiêu gia đình. Lãnh đạo các trường ĐH cần cảm thấy mình đã có lỗi với những gia đình ấy khi không đem lại cho SV một nền giáo dục đủ để họ có thể thích ứng, tồn tại và phát triển được trong thế giới việc làm.


Một lãnh đạo DN liên doanh đã nói với nhóm nghiên cứu chúng tôi rằng khi nhận SV mới tốt nghiệp vào làm việc, ông mất 2 năm để “tẩy rửa” những gì các em đã được học và thêm 2 năm nữa để dạy những kỹ năng cần thiết thì mới đáp ứng được công việc của DN.


Xem lại sứ mệnh đào tạo ĐH


Lối ra cho tình trạng đó, là các trường phải tư duy lại về sứ mạng của mình. Sứ mạng của một trường ĐH là một tuyên ngôn cho thấy lý do tồn tại của trường ĐH. Nó sẽ dẫn dắt và quyết định mọi hành động tiếp theo của nhà trường, cũng như cách mà nhà trường lựa chọn chiến lược để thực hiện mục tiêu của mình.


Đề án Đổi mới giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2006-2020 đã nêu rõ mục tiêu trước năm 2020 cần đạt được “70%-80% tổng số SV theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng”. Ứng với mục tiêu này là quy hoạch Tổng thể hệ thống giáo dục ĐH 2012-2030 với 3 hoặc 4 tầng bậc, trong đó chỉ 5% số SV trong toàn hệ thống sẽ theo học tại các trường ĐH nghiên cứu và được đào tạo để trở thành các nhà khoa học tương lai. Số còn lại sẽ học trong các trường định hướng nghiên cứu (20% số SV), các trường tập trung giảng dạy (25% số SV), các trường CĐ 2 hoặc 3 năm (50% số SV).


Theo kế hoạch đó, sẽ chỉ có một số ít các trường tập trung vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ra các nhà khoa học. Các trường này sẽ thu hút những tài năng lỗi lạc nhất trong mọi ngành học và cũng sẽ đào tạo giảng viên có bằng tiến sĩ cho các trường ĐH khác trong cả hệ thống. Phần lớn các trường còn lại sẽ thực hiện hoạt động nghiên cứu ở mức độ cập nhật những tiến bộ mới nhất trong chuyên ngành để phục vụ cho hoạt động giảng dạy và đào tạo của mình. Do đó, trọng tâm của những trường này sẽ là đào tạo theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng, nghĩa là đào tạo những người có đủ năng lực vận hành khu vực sản xuất, kinh doanh và dịch vụ trong xã hội.


Như vậy, sứ mạng quan trọng nhất của những trường này là đem lại cho SV những phẩm chất, kỹ năng, tri thức mà thế giới việc làm đòi hỏi. Trong một thế giới ngày càng trở nên tương thuộc, các trường ĐH phải là nơi chủ động tạo ra mối quan hệ các bên cùng có lợi với giới DN. Mối quan hệ này không chỉ là một chiều, theo nghĩa DN hỗ trợ cho nhà trường cải thiện chương trình và nâng cao chất lượng đào tạo; mà là quan hệ hai chiều, theo nghĩa nhà trường có thể thực hiện những công trình nghiên cứu nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể của DN, tăng năng suất và hiệu quả hoạt động của DN với nguồn tài trợ từ DN. Sự hợp tác đó còn là chuyển giao công nghệ và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, giúp tăng thu nhập cho nhà trường và giảng viên, đưa kiến thức khoa học vào cuộc sống, chương trình đào tạo được thường xuyên cập nhật.


Tuy vậy, để mở rộng những kết quả đó trong cả hệ thống, vẫn còn nhiều rào cản mà trước hết là rào cản trong nhận thức. Văn hóa trọng bằng cấp hơn thực học, bệnh thành tích và hiếu danh là những yếu tố không hỗ trợ. Trong bối cảnh đó, tầm nhìn và ý chí của người lãnh đạo sẽ là một nhân tố cốt yếu bảo đảm cho thành công của nhà trường. 

Dựa vào doanh nghiệp

Nếu các trường ĐH nghiên cứu tập trung chủ yếu cho khoa học cơ bản và cần được ngân sách quốc gia đầu tư mạnh mẽ thì những trường ĐH chọn lựa sứ mạng định hướng nghề nghiệp - ứng dụng sẽ đặt trọng tâm vào nghiên cứu ứng dụng và không cần phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn có thể dựa vào các doanh nghiệp để thực hiện.

Phạm Thị Ly - NLĐ