Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ăn quá nhạt cũng gây hại sức khỏe như ăn mặn

(09:30:21 AM 03/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Hầu hết chúng ta đều quen thuộc với cảnh báo rằng, ăn mặn (hấp thu quá nhiều muối) sẽ làm tăng huyết áp, có thể dẫn tới bệnh tim mạch, đột quỵ và chết sớm. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, ăn quá nhạt (hấp thu quá ít muối) cũng gây hại không kém cho sức khỏe của chúng ta.

Ăn quá nhạt cũng gây hại sức khỏe như ăn mặn

 

Theo các chuyên gia, thành phần natri trong muối (một phân tử muối bao gồm 1 nguyên tử natri liên kết với 1 nguyên tử clo), với hàm lượng phù hợp, là một khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể của chúng ta duy trì tình trạng sức khỏe tốt.

Tồn tại chủ yếu trong máu và trong các chất dịch bên ngoài và bên trong tế bào, natri giữ vai trò sống còn đối với các chức năng cơ và thần kinh bình thường, cũng như rất cần để duy trì tình trạng cân bằng chất lỏng bình thường bên trong và quanh các tế bào. Khi hàm lượng natri trong cơ thể trở nên quá cao hoặc quá thấp, sự mất cân bằng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh tật phát triển.

Nguồn cung cấp natri cho cơ thể là từ thức ăn và đồ uống chúng ta hấp thu. Và natri được bài tiết chủ yếu thông qua quá trình toát mồ hôi và tiểu tiện.

Các quả thận của chúng ta duy trì hàm lượng natri phù hợp trong cơ thể, thông qua việc điều phối lượng natri thải loại ra nước tiểu. Tuy nhiên, khi lượng natri hấp thu và bài tiết không cân bằng, tổng lượng natri trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Các thay đổi về lượng natri trong cơ thể tác động trực tiếp đến thể tích máu (lượng nước chứa trong máu) của chúng ta.

Vì vậy, khi chúng ta ăn quá nhạt, tức là hấp thu không đủ lượng natri cần thiết, thể tích máu trong cơ thể sẽ giảm xuống. Điều này sẽ dẫn tới sự sụt giảm huyết áp tương ứng - chứng giảm huyết áp hay xuống máu.

Khi thể tích máu bắt đầu trở nên thấp đi, các tuyến yên và thượng thận của chúng ta sẽ bài tiết các hoóc môn khiến thận giữ lại natri và nước nhằm tăng thể tích máu. Nếu tình trạng này không được hiệu chỉnh theo thời gian, nó có thể dẫn tới các vấn đề về thận cũng như sự làm việc quá sức của tuyến thượng thận.

Áp huyết thấp cũng có thể khiến nhịp tim của chúng ta tăng lên, gây choáng và sốc.

Ngoài ra, lượng natri trong máu thấp cũng có thể ảnh hưởng tới bộ não, vốn nhạy cảm cao trước các thay đổi về nồng độ natri. Khi não bị ảnh hưởng, chúng ta có thể cảm thấy bản thân ngủ lịm hoặc rối loạn. Nếu tình hình trầm trọng hơn, cơ thể sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng co giật cơ. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hậu quả của việc thiếu natri có thể là trạng thái ngẩn ngơ, hôn mê và thậm chí tử vong.

Tuấn Anh (Vietnamnet)