Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam Tin ảnh

(14:31:03 PM 01/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Những hang ngầm trong lòng núi ở đảo Hải Nam đang được Trung Quốc ồ ạt xây dựng cho tàu ngầm ra vào, nhằm gia tăng sức mạnh trên Biển Đông, kiểm soát tuyến đường biển quan trọng nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.

Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
Hang ngầm cho tàu ngầm Trung Quốc ra vào, ở đảo Hải Nam - Ảnh: Indiandefense


Trên đảo Hải Nam, gần thành phố Tam Á, hải quân Trung Quốc đã xây cất nhiều căn cứ tàu ngầm mới, gồm 1 căn cứ phía tây nam phục vụ tàu ngầm thông thường; 2 căn cứ ở phía tây vịnh Yalong, trong đó 1 căn cứ có cầu cảng cho tàu sân bay có thể đậu, và 1 căn cứ phục vụ tàu ngầm hạt nhân. Có 4 cầu tàu có thể phục vụ 8 tàu ngầm cùng lúc. Về phía nam các cầu tàu này có một hang ngầm, rộng 16 m, cho tàu ngầm ra vào trong lòng núi.

Những hang ngầm này trông như cảnh trong các phim điệp viên 007, là nơi tàu ngầm Trung Quốc dễ dàng ra vào Biển Đông mà khó bị Hải quân Mỹ phát hiện từ trên trời, theo Bloomberg.

Hạm đội tàu ngầm điện - diesel và cả tàu ngầm hạt nhân ở đảo Hải Nam là một trong những nỗ lực của Trung Quốc nhằm bảo đảm an ninh cho tuyến đường hàng hải tối quan trọng đối với nền kinh tế của nước này, đồng thời tăng sức mạnh của Trung Quốc trong việc kiểm soát Biển Đông, tạo lợi thế trong tranh chấp lãnh thổ với các nước trong khu vực.

Hiện Hải quân Trung Quốc có 56 tàu ngầm tấn công, gồm 51 chiếc chạy bằng động cơ điện - diesel (phần lớn đã cũ) và 5 chiếc chạy bằng động cơ hạt nhân, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ gửi Quốc hội Mỹ tháng 4.2014.

Trung Quốc có 3 tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân loại JL-2, tầm bắn 7.400 km, có thể bắn tới Hawaii và thậm chí tới California nếu tàu ngầm ở giữa Thái Bình Dương, theo ông Dean Cheng, chuyên gia tổ chức tư vấn an ninh Heritage Foundation ở thủ đô Washington.

Các tàu ngầm mang tên lửa hành trình diệt hạm và ngư lôi sẽ giúp Trung Quốc thực hiện tham vọng giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh khu vực, kết hợp với sức mạnh của không quân, tàu mặt nước và lực lượng tên lửa được điều phối bằng hệ thống chỉ huy thống nhất qua máy tính. Đây là sự nỗ lực trong quá trình hiện đại hoá hơn 20 năm qua của lực lượng trên bộ, trên biển và dưới lòng biển, dù vẫn chưa thể sánh được với các lực lượng Mỹ, đó là nhận xét của nhà phân tích Sam Roggeveen (viện Lowy ở Sydney, Úc).

Thậm chí Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình vào ngày 22.9.2014 khi đến thăm một đơn vị quân đội đã phát biểu rằng quân đội Trung Quốc phải cải thiện tình trạng sẵn sàng chiến đấu để có khả năng giành thắng lợi trong một cuộc chiến khu vực.

Trước sự gia tăng sức mạnh quân sự này, Mỹ thường xuyên tiến hành các chuyến bay trinh sát gần khu vực bờ biển Trung Quốc và liên tục bị Trung Quốc phản ứng, điển hình là vụ tiêm kích J-11 Trung Quốc bay chặn đường nguy hiểm một máy bay trinh sát săn ngầm P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ trên bắc Biển Đông ngày 19.8.2014 vừa qua.

Khả năng của tàu ngầm Trung Quốc đang được củng cố, theo nhận định của đô đốc Samuel Locklear, tư lệnh Bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương. Ông cũng than phiền rằng quốc hội cắt giảm ngân sách quân sự khiến hạm đội tàu ngầm tấn công của Mỹ từ 55 chiếc xuống còn 42 chiếc vào năm 2029.

Tàu ngầm là vũ khí có sức mạnh quan trọng, bên cạnh bom nguyên tử, vì chúng gần như tàng hình và yên lặng, lại có thể bố trí ở mọi nơi, theo ông Dean Cheng. “Trong một cuộc xung đột trên biển, tàu ngầm sẽ là kẻ gây đổ máu cho đối phương đầu tiên”, chuyên gia này nói với Bloomberg.

Tham vọng của Trung Quốc là chiếm 90% Biển Đông, tuyến hàng hải của 5.300 tỉ USD hàng hoá thông thương mỗi năm (chiếm một nửa lượng hàng hoá toàn cầu). Trung Quốc ra sức cải tạo đất và xây cất căn cứ trên các đảo chiếm của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa, đưa cả giàn khoan dầu vào vùng biển Việt Nam, gây tranh chấp với các nước trên Biển Đông…

Trung Quốc còn đầu tư xây cảng ở đảo quốc Sri Lanka với cảng nước sâu tại thủ đô Colombo, để tàu ngầm Trung Quốc có nơi nghỉ chân khi từ Biển Đông vào Ấn Độ Dương. Việc này khiến Ấn Độ lo ngại và phải gia tăng hạm đội tàu ngầm lên thêm 15 chiếc, mua máy bay trinh sát và săn ngầm hiện đại P-8 Poseidon của Mỹ (đã nhận 5 chiếc tính đến tháng 9.2014).

Để đối phó, nhiều nước trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Singapore và cả ở xa như Úc đã phải đầu tư vào lực lượng tàu ngầm cũng như vào năng lực chống ngầm từ trên trời lẫn dưới biển.

Chi tiêu quân sự tại châu Á và châu Đại dương đã tăng 3,6% năm 2013, đạt 407 tỉ USD, theo Viện nghiên cứu hoà bình quốc tế ở Stockholm (SIPRI, Thuỵ Điển), trong đó Trung Quốc gia tăng 7,4% và ASEAN tăng 5%.

Việt Nam đã nhận 2 tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng, và đến năm 2016 sẽ có 6 chiếc tàu chạy bằng động cơ điện - diesel này.

Indonesia có kế hoạch sắm 12 tàu ngầm và đang mua 2 chiếc từ tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc), theo tạp chí quốc phòng IHS Jane’s Defence Weekly.

Úc đang thay thế hạm đội tàu ngầm phóng tên lửa lớp Collins cũ kỹ bằng tàu ngầm lớp Soryu hiện đại của Nhật Bản, dùng động cơ không phụ thuộc không khí để ở lâu hơn dưới biển so tàu ngầm điện - diesel. Úc phải tốn 17,6 tỉ USD cho dự án 12 tàu ngầm loại mới này, theo báo Australian Financial Review ngày 28.10.

Singapore đã có 6 tàu ngầm, lại đặt thêm 2 chiếc từ hãng ThyssenKrupp (Đức). Lãnh thổ Đài Loan có 4 tàu ngầm đã quá cũ và đang muốn tự đóng tàu mới với sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ, theo trang tin quân sự GlobalSecurity (Mỹ).

Hải quân Mỹ đã bay trinh sát theo dõi hải quân Trung Quốc hàng chục năm nay, và đến nay vẫn có thể dễ dàng phát hiện tàu ngầm Trung Quốc vì các loại tàu này chạy rất ồn ào, kể cả tàu ngầm hạt nhân. Nhưng những nước khác thì năng lực phát hiện tàu ngầm chưa thể bằng Mỹ, nên tàu ngầm vẫn là vũ khí lợi
hại.


Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
Một căn cứ tàu ngầm của Trung Quốc ở đảo Hải Nam - Ảnh: militaryphotos.net
Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam

Tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc tại căn cứ gần thành phố Tam Á, đảo Hải Nam - Ảnh: wantinews.com

Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam

Máy bay tuần biển và săn ngầm P-8I của Ấn Độ, với tên lửa Harpoon bên dưới cánh - Ảnh: bharatmilitaryreview


Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
Máy bay tuần biển và săn ngầm P-8 Poseidon và P-3 Orion của Mỹ - Ảnh: Hải quân Mỹ

Trung Quốc ồ ạt xây căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam
Tàu ngầm lớp Kilo của Việt Nam, vũ khí phòng thủ biển đảo lợi hại. Trong ảnh là hai tàu ngầm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh trong quân cảng Cam Ranh - Ảnh: Duy Khánh

(Theo Tin nóng)