Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Quảng Nam: Tập trung quản lý việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

(14:21:22 PM 01/11/2014)
(Tin Môi Trường) - Nhằm quản lý việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách có hiệu quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo đến các ngành chức năng cũng như người dân phải tuân thủ về quy định khai thác và bảo vệ nguồn lợi này một cách bền vững.

Quảng Nam: Tập trung quản lý việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản

Ảnh: minh họa


Theo đó, các tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng; tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20CV đến dưới 90CV khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả; tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20CV hoặc tàu không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả. Tàu cá lắp máy dưới 20CV hoặc không lắp máy đăng ký ở tỉnh Quảng Nam, chỉ được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ của tỉnh Quảng Nam và vùng đệm (vùng khai thác thủy sản chung).

Ông Nguyễn Văn Giỏi, Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Quảng Nam cho biết: Để quản lý chặt chẽ việc khai thác thuỷ sản trên địa bàn, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quy định cụ thể, như chủ tàu hoặc người đại diện chủ tàu của tất cả các tàu có Giấy phép khai thác thủy sản, chịu trách nhiệm tổ chức làm Báo cáo khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc ghi, nộp Báo cáo khai thác thủy sản; đối với tàu khai thác thủy sản có công suất máy chính từ 20CV trở lên, Thuyền trưởng có trách nhiệm tổ chức ghi nhật ký khai thác thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng nghiêm cấm một số nghề trong khai thác hải sản tại vùng bờ, cấm các nghề lưới kéo (trừ lưới kéo moi/ruốc ở tầng nước mặt), nghề kết hợp ánh sáng (trừ nghề rớ có tổng công suất nguồn sáng không vượt quá 200W, câu tay mực có tổng công suất nguồn sáng không vượt quá 500W); cấm các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính từ 20CV trở lên hoạt động. Tại vùng lộng, cấm các nghề kết hợp ánh sáng sử dụng công suất nguồn sáng vượt quá quy định. Cụ thể tổng công suất các cụm chiếu sáng của mỗi đơn vị khai thác làm các nghề lưới vây, vó, mành, câu mực, chụp mực, pha xúc không được vượt quá 5.000W; công suất của mỗi bóng đèn dùng trong nghề pha xúc không được vượt quá 2.000W và vị trí lắp đặt

đèn pha phải cách mặt nước trên 1,2 m. Cấm các nghề khai thác thủy sản sử dụng tàu cá có công suất máy chính dưới 20CV, hoặc sử dụng tàu cá có công suất máy chính từ 90CV trở lên hoạt động….

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: Bên cạnh quy định về khai thác, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản như cá tôm, cua, mực…Quảng Nam cũng có quy định về quản lý san hô, rong mơ. Trong đó đối với hệ sinh thái rạn san hô Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, được thực hiện theo Quy chế Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm. Đối với hệ sinh thái rạn san hô khu vực Bàn Than - Mũi An Hòa thuộc vùng biển ven bờ huyện Núi Thành, giao UBND huyện Núi Thành tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ, không để ngư dân khai thác san hô bừa bãi; xây dựng kế hoạch điều tra khoanh vùng khu vực bảo vệ, bảo tồn và cơ chế chuyển đổi nghề khai thác trên các vùng cần bảo vệ, bảo tồn, phục hồi sinh thái.

Về khai thác rong Mơ tại các thủy vực tự nhiên theo thời vụ, khai thác rong Mơ từ ngày 15/5 đến ngày 30/11 Dương lịch hằng năm. Khi khai thác rong Mơ phải đảm bảo không làm tổn hại đến nguồn lợi rong Mơ và hệ sinh thái rạn san hô. Đặc biệt, không được nhổ cả gốc mà chỉ được dùng liềm để cắt, phải để lại gốc bám và một đoạn thân rong dài khoảng 10cm, chừa lại ít nhất 25% diện tích có rong theo từng luống để còn nơi cư trú, sinh sản của các loài thủy sản, không được giẫm đạp lên san hô khi cắt rong hoặc thả neo tàu làm làm hư hại đến san hô.

Nguyễn Sơn