Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Trao đổi với báo chí bên hàng lang Quốc hội ngày 30.10 xung quanh khái niệm “hối lộ tình dục”, ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư cho biết:
ĐBQH Nguyễn Doãn Khánh – Phó Trưởng ban Nội chính T.Ư
- Ở Việt Nam chúng ta chỉ mới giới hạn tài sản đưa hối lộ là tài sản vật chất thôi. Giờ theo các khuyến cáo của các chuyên gia quốc tế thì Việt Nam cần phải mở rộng thêm khái niệm về tài sản hối lộ, không chỉ dừng ở các lợi ích vật chất mà bao gồm cả lợi ích về tinh thần. Ví dụ tài sản hối lộ có thể liên quan cả đến việc thi đua, phong tặng, khen thưởng… Thậm chí người ta còn đề cập đến cả việc cung cấp dịch vụ tình dục để hối lộ. Đây cũng là hướng để ta nghiên cứu mở rộng thêm khái niệm về tài sản hối lộ.
Với chức năng là cơ quan tham mưu T.Ư về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính T.Ư đã nhận được phản ánh, báo cáo nào về tình trạng hối lộ bằng tình dục chưa, thưa ông?
- Cái này vẫn chủ yếu thông qua báo chí thôi, vì đây cũng là một lĩnh vực rất nhạy cảm nên thông thường người thực hiện những việc đó không muốn đề cập đến và những người được hưởng dịch vụ đó thì đương nhiên không tiết lộ rồi. Nhưng văn học và báo chí đã phản ánh từ thực tế cuộc sống rồi, và tôi coi đó là một nguồn tin khá tin cậy.
Nhìn ra xung quanh, như Trung Quốc chẳng hạn cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến hối lộ tình dục?
- Đúng là ở Trung Quốc người ta phát hiện được những vụ lớn, thậm chí có những người chuyên sử dụng tình dục để dụ dỗ, lôi kéo quan chức, một mặt để hối lộ, một mặt dùng phương tiện ghi lại làm dùng tư liệu để dễ khống chế.
Sau khuyến cáo của các tổ chức quốc tế về khái niệm “hối lộ tình dục”, Ban Nội chính T.Ư sẽ tiếp thu ra sao, thưa ông?
- Đây cũng là nội dung mà vừa rồi trong hội thảo “Hoàn thiện các quy định về tội hối lộ trong Bộ luật Hình sự năm 1999” (do Ban Nội chính T.Ư phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức ngày 29.10), nhiều chuyên gia, cố vấn về phát triển luật pháp của Anh tham gia đóng góp các quan điểm. Những khuyến cáo của chuyên gia cũng nằm trong khuyến cáo của Liên Hợp Quốc, nằm trong Công ước quốc tế về phòng chống tham nhũng mà ta đã tham gia. Không phải cái gì công ước Liên Hợp Quốc có thì mình cũng phải có, nhưng khi đã tham gia công ước thì mình cũng phải chịu những ràng buộc với các nước thành viên.
Như vậy chúng ta sẽ sớm nghiên cứu để bổ sung thêm nội dung này vào Bộ luật Hình sự, thưa ông?
- Luật pháp có nhiều chức năng, trong đó có cả chức năng về dự báo định hướng: Dự báo tình hình phát triển tội phạm để mình có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Đây cũng là nội dung được đưa ra để nghiên cứu vì chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện Bộ luật Hình sự, trong đó có những vấn đề liên quan đến tội tham nhũng. Hội thảo vừa rồi mới chỉ đề cập nhóm tội hối lộ thôi. Với những điều mà thế giới đã trải qua, đã có kinh nghiệm thì mình cũng phải lựa chọn những vấn đề hợp lý để nghiên cứu. Chúng ta sẽ tiếp nhận nó với tinh thần tích cực. Nhiều nước cũng đã đưa khái niệm “hối lộ tình dục” vào trong luật. Trong hội thảo các chuyên gia cũng nhận định, dịp sửa đổi Bộ luật Hình sự này cũng là cơ hội để chúng ta hoàn thiện hệ thống pháp luật, để hệ thống pháp luật Việt Nam tiệm cận được với luật pháp quốc tế.
Thưa ông, chúng ta có nghiên cứu tới việc miễn trách nhiệm hình sự cho người đưa hối lộ để tăng khả năng phát hiện tội phạm hối lộ?
- Trong hội thảo hôm qua cũng có nhiều ý kiến cho rằng đối với người đưa hối lộ, trong một số trường hợp không nên coi là tội phạm. Nhưng trên quan điểm của các chuyên gia cũng như cá nhân tôi thì thấy, giữa quy định về luật pháp với chính sách xử lý là 2 cái khác nhau trong vấn đề xây dựng pháp luật. Khi mà người ta đưa và nhận hối lộ xong thì đương nhiên việc nhận hối lộ đã hoàn thành. Vậy việc xử lý là bước sau. Không phải vì việc xử lý mà ta coi hành vi đưa hối lộ là không phạm tội. Nhưng quan điểm xử lý đối với những người chủ động cung cấp khai báo thông tin, chủ động giúp các cơ quan điều tra để đưa việc phạm tội ra xử lý thì mình sẽ có các biện pháp để xem xét với họ, thậm chí có thể miễn toàn bộ tội hình sự. Tuy nhiên, không vì thế mà xóa nhòa ranh giới giữa hành vi vi phạm pháp luật với xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Xin cảm ơn ông!