Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Gần đây, tại địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng giáp ranh với TP Đà Nẵng liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng lớn chưa từng thấy. Tuy nhiên, vụ việc chỉ được phát hiện sau khi lâm tặc đã làm tan hoang các cánh rừng và đang chờ thời cơ đưa gỗ đi tiêu thụ.
Những phách gỗ quý bị khai thác trái phép được phát hiện tại địa phận huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam mới đây Ảnh: CÔNG THÀNH
Lâm tặc được tiếp tay?
Mới đây, ngày 24-10, trong quá trình tuần tra, Đội Kiểm lâm cơ động số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ hơn 10 m3 gỗ quý cất giấu tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My. Tại đây, hàng chục phách gỗ lớn được chôn lấp cách mặt đất khoảng 20 cm tại 2 xưởng mộc của ông Trần Văn Tân (49 tuổi) và Nguyễn Quốc Oanh (33 tuổi). Điều đáng ngờ là nơi phát hiện số gỗ trái phép này nằm tại khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Trà My và sát nách cơ quan kiểm lâm huyện.
Hồi đầu tháng 9-2014, một lượng gỗ quý lên đến 257 phách (51 m3) được phát hiện nằm la liệt khắp các khe suối ở thượng nguồn sông Thu Bồn (thuộc xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đây được xem là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Nam.
Việc khai thác gỗ rầm rộ, tập kết giữa núi rừng diễn ra trong một thời gian dài nhưng chính quyền và các cơ quan chức năng không hay biết. Vụ việc đã được khởi tố để điều tra song đến nay đã hơn 1 tháng mà vẫn chưa tìm ra thủ phạm.
Vụ việc trên chưa kịp lắng xuống thì một vụ phá rừng khác lại được phát hiện. Trong vòng 1 tuần từ ngày 6 đến 13-10, lực lượng chức năng huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) và TP Đà Nẵng phát hiện hơn 45 m3 gỗ ngay trong lâm phận rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Lâm tặc liều lĩnh tập kết 2 bãi gỗ ngay sát đường và cách Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP Đà Nẵng) không xa.
Con đường đến nơi cất giấu bãi gỗ lậu được “khai phá” khá hoàn chỉnh, xe tải có thể vào đến tận nơi nhưng cán bộ bảo vệ rừng vẫn không phát hiện. Sau vụ này, ngành chức năng huyện Đông Giang cáo buộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông tiếp tay cho lâm tặc phá rừng nhưng bị phía TP Đà Nẵng “phản pháo” rằng chưa có cơ sở.
Đổ lỗi và... giành công
Trong khi nghi vấn kiểm lâm có tiếp tay cho lâm tặc hay không phải chờ kết luận của cơ quan điều tra thì 2 địa phương này lại tranh nhau “thành quả” là bên... phát hiện bãi gỗ trước và liên tục đổ lỗi cho nhau. Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho rằng ngay từ đầu, chính đơn vị và Hạt Kiểm lâm Bà Nà - Núi Chúa mới là người phát hiện ra 14,3 m3 gỗ kiền kiền, gõ giấu ở gần trạm Cà Nhông. Sau đó, lực lượng chức năng tổ chức truy quét và phát hiện thêm 4 điểm ở Đà Nẵng và 5 điểm ở Quảng Nam.
Trong khi đó, ngành chức năng huyện Đông Giang cho rằng họ đã bí mật điều tra và phát hiện trước phía Đà Nẵng. Bằng chứng đưa ra là lần phát hiện ban đầu vào ngày 6-10, phía Đà Nẵng nói họ chỉ phát hiện 17 phách trong khi thực tế có 2 bãi cất giấu gỗ, trong đó một bãi 30 phách và một bãi 36 phách.
Liên quan đến vụ việc này, mới đây, Cục Kiểm lâm - Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản gửi Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam yêu cầu khẩn trương tổ chức điều tra, xác định điểm khai thác, mức độ thiệt hại và đối tượng vi phạm để có căn cứ khởi tố vụ án; kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm.
Công an điều tra, nhiều cán bộ bị thay
Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, cho biết chiều 27-10, UBND TP Đà Nẵng có buổi làm việc với các bên liên quan về vụ phá rừng ở Bà Nà - Núi Chúa.
Theo ông Phương, công an đã vào cuộc điều tra nên nghi vấn cán bộ bảo vệ rừng tiếp tay, bảo kê cho lâm tặc phải chờ thêm thời gian để làm rõ. Nhiều cán bộ thuộc Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông đã được triệu tập để giải trình, toàn bộ nhân viên trạm này cũng đã được thay thế.
Ông Phan Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc để xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nông Sơn có trách nhiệm của Hạt Kiểm lâm huyện. “Sự việc xảy ra trên địa bàn thì phải kiểm điểm chứ không có giải trình gì hết. Tôi đã chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, kiểm lâm địa bàn; sau đó sẽ đưa về họp lại để có biện pháp xử lý cuối cùng. Trường hợp này, ở mức cao nhất là cho thôi việc, hạ bậc lương hoặc khiển trách nhưng mà chắc chắn là ở mức cao nhất” - ông Tuấn nói.