Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Sau cơn mưa là ngập nước và ngập rác ..Ảnh minh hoạ IE
TP.HCM với địa hình thấp nằm ở hạ lưu sông Sài Gòn, Đồng Nai, độ dốc tự nhiên 8 độ từ Bình Phước về Cần Giờ, địa bàn phía nam như chiếc phễu thu nước mặt từ vùng cao, tự thẩm thấu và thoát ra biển.
Nhưng nay khuyến cáo về biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phát triển TP.HCM ra bốn hướng đông tây nam bắc trên vùng đất thấp với hơn 60% diện tích dưới 2m, hơn nữa hiện tượng lún cục bộ của những đô thị xây dựng trên nền đất yếu... đang là thách thức cực lớn cho vấn đề chống ngập của thành phố.
Nhiều giải pháp đã được hiến kế như xây đê bao cho toàn thành phố, xây cống hộp lớn dưới hệ thống cống hiện hữu, bơm ra kênh hay làm mương hở thoát nước mặt cho các con đường lớn, hoặc xây hồ điều tiết ở các công viên, đất trống, cải tạo lề đường với tấm đan bêtông đục lỗ cho nước tự thấm, mỗi nhà dân một hồ chứa nước mưa trên mái hoặc dưới đất...
Ở tầm vĩ mô hơn là xây đê biển Vũng Tàu, Gò Công, quy hoạch lưu vực sông thoát nước từng cụm, mở rộng hồ điều tiết nước ở Trị An, sông Đồng Nai, hồ Dầu Tiếng trên sông Sài Gòn...
Mỗi ngành đề ra một giải pháp nhưng có những giải pháp chống ngập do mưa lại đối nghịch với giải pháp do triều cường, năng lực công trình thiết kế thì có hạn, xây dựng xong một dự án thì thông số đầu vào biến đổi, đỉnh triều ngày càng cao, lượng mưa ngày càng lớn...
Nhìn ra thế giới, Tokyo trong thế kỷ trước đã từng bị sóng thần và bão dữ làm ngập hệ thống tàu điện ngầm, hàng ngàn người chết đuối. Họ đã xây dựng hệ thống hầm ngầm trong lòng đất với địa đạo 80km, rộng 10m thu nước mưa, hệ thống này mang tên G - Cans.
Ở Thái Lan cũng đã xây dựng hàng loạt kênh đào phía đông, tây thành phố hướng nước lũ ra biển, để giải bài toán xây dựng thành phố chắn ngay dòng sông dưới hạ nguồn. Ở Seoul, Hàn Quốc, dòng sông Hàn xây dựng hai bên bờ với ba tầng kè, lộ giới 500m để chứa nước mưa từ thượng nguồn khi mùa mưa bão đến, bình thường nó trở thành công viên dọc bờ sông đẹp và dài nhất thế giới. Một công hai việc!
Những giải pháp đã có, những cách làm của các thành phố khác tương đồng trên thế giới cũng đã có, nhưng đến nay TP.HCM hình như vẫn chưa có đáp án cụ thể. Vì sao vậy?
Hơn 20 năm trước, thành phố đã quan tâm đến vấn đề này và đã đưa ra hội thảo bàn luận, điều chỉnh quy hoạch ba lần và thành lập nhiều đoàn tham khảo, học tập các nước về chống ngập cho TP.HCM, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức tham khảo, chưa có một bài toán với đáp số được giải thỏa mãn các yêu cầu đặt ra với trình tự, kế hoạch, lớp lang rõ ràng.
Bởi thế, giải pháp chống ngập cho thành phố trong thời điểm hiện nay phải được ưu tiên hàng đầu với cách làm thật sự hiệu quả, một cách làm khác, không chỉ là hiến kế đơn lẻ, mà cần một bài giải tổng hợp với một cuộc thi thiết kế quy hoạch chống ngập rõ ràng.
Thông qua đó, hàng loạt giải pháp được nêu ra, sự phản biện, bảo vệ sẽ cho ra một đáp án kinh tế khả thi và bền vững. Đồ án này sẽ được tôn trọng tác quyền, thực hiện theo kịch bản mà bất cứ nhiệm kỳ nào, ban ngành nào cũng phải tuân thủ.
Và để những ý tưởng này đi vào hiện thực, rất cần sự đột phá về cơ chế, đó là con người, bộ máy, quy định, quy chế quản lý đô thị, là chỉ huy trưởng, chủ nhiệm đồ án có thực quyền điều phối các ban ngành khác để cùng nhau thực hiện theo kịch bản dàn dựng chi tiết, tránh chồng chéo, xin cho và đội giá.