Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Phú Yên: Trồng cây dược liệu giúp người dân nâng cao thu nhập

(07:47:24 AM 26/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Mỗi ha trồng dược liệu cho doanh thu khoảng 200 triệu đồng/năm, gấp 4 - 5 lần trồng lúa và các loại cây khác. Đó là khẳng định của chị Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại Hồng Đài Việt (Thành phố Hồ Chí Minh) về lợi ích kinh tế của mô hình trồng dược liệu được triển khai tại tỉnh Phú Yên.

Phú Yên: Trồng cây dược liệu giúp người dân nâng cao thu nhập

Trồng cây dược liệu giúp người dân nâng cao thu nhập - Ảnh minh hoạ IE


Hiện nay, tại Phú Yên có 110 hộ dân ở 3 huyện Đông Hòa, Tây Hòa và thành phố Tuy Hòa canh tác khoảng 50 ha cây dược liệu, gồm các loại: Diệp hạ châu, tần dày lá, cỏ mực, râu mèo và rau đắng. Các loại cây trồng được cung ứng cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung (ở thôn Đa Ngư, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa). Để đảm bảo chất lượng dược liệu cung ứng cho thị trường, các gia đình đều được Trung tâm tập huấn các quy trình trồng và thu hoạch theo tiêu chuẩn VIETGAP. Trong suốt quá trình canh tác cho đến khi thu hoạch (từ tháng 2 - tháng 9) Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật xuống giám sát quy trình canh tác và thu hoạch của các hộ dân. Ngoài ra, Trung tâm còn cung cấp nguồn giống cho các hộ dân để có được nguồn nguyên liệu đồng loại, quản lý được thời vụ và quản lý sâu bệnh.

Các hộ dân cho biết, trồng dược liệu không tốn công và mức đầu tư như các loại cây khác bởi cây giống được trung tâm cung cấp miễn phí và chỉ bón bằng phân chuồng, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây sinh trưởng ngắn, chỉ trong thời gian từ 50 - 100 ngày, lại có thể trồng được trên các loại đất. Đặc biệt, các loại cây dược liệu chịu được hạn, chỉ trồng vào mùa nắng nên không bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Để đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia mô hình trồng cây dược liệu, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung "bao tiêu" đầu ra đối với sản phẩm dược liệu khi thu hoạch. Hàng năm, dựa vào giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng, gạo… trên thị trường, Trung tâm thỏa thuận với các đối tác để tăng giá thu mua dược liệu ở mức 20%/năm.

Ông Châu Văn Đồng ở khu phố 1, phường Phú Thạnh (thành phố Tuy Hòa) có 1 ha trồng diệp hạ châu cho biết: Trồng dược liệu không mất công nhiều, chi phí đầu tư bằng cây lúa và các loại cây khác. 1 ha diệp hạ châu bình quân đạt sản lượng khoảng 80 tấn/năm (4 - 5 vụ/năm); với giá thị trường hiện tại là trên 4.000 đồng/kg, ông đạt doanh thu khoảng 320 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí sản xuất, thu lãi khoảng 180 triệu đồng/năm.

Ông Lê Minh Hổ, Chủ tịch Hội Nông dân phường Phú Thạnh cho biết: Dược liệu là loại cây mang lại thu nhập ổn định và cao hơn trồng lúa từ 4 - 5 lần/năm. Nhiều hộ dân trong phường rất muốn triển khai mô hình này.

Chị Lê Thị Tuyết Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung cho biết thêm: Do được canh tác, thu hoạch đúng quy trình theo tiêu chuẩn trong nước, quốc tế và có quy trình chế biến công nghệ cao nên dược liệu của Trung tâm được các đối tác nước ngoài như Nhật, Pháp, Đức và các xí nghiệp sản xuất đông dược trong nước như: DaNaPha (Đà Nẵng), Nam Dược (Hà Nội), Đông Nam (Thành phố Hồ Chí Minh)… ưu tiên sử dụng.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Trung tâm nghiên cứu và sản xuất dược liệu miền Trung (Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất - thương mại Hồng Đài Việt) sẽ mở rộng diện tích trồng dược liệu thêm 50 ha. Để "đảm bảo" đầu ra cho sản phẩm, hiện nay Trung tâm đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để xây dựng thêm nhà xưởng, máy chế biến, sân phơi, kho chứa. Hiện ngoài nhiệm vụ sản xuất dược liệu cung ứng cho thị trường, Trung tâm còn bảo tồn 21 loại dược liệu quý hiếm ven biển như: Sáo tam phân, cam thảo đá bia, bình vôi, cây bá bệnh, rễ vàng và sẽ đưa vào sản xuất khi thị trường có nhu cầu.

Trịnh Bang Nhiệm