Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Hậu Giang huy động sức dân thực hiện các công trình chống ngập lũ

(07:43:26 AM 26/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Hậu Giang đang vào cao điểm mùa mưa và thường xảy ra nguy cơ ngập nước tại các địa phương khi có mưa lớn kết hợp triều cường, vì vậy tỉnh đẩy mạnh vận động nhân dân cùng góp công, góp sức hoàn thành sớm các công trình chống ngập lũ nhằm bảo vệ tài sản và ruộng, vườn của người dân.


Hậu Giang huy động sức dân thực hiện các công trình chống ngập lũ

Ảnh minh hoạ: TL


Huyện Châu Thành nằm bên sông Hậu và sông Cái Côn, nơi thường xảy ra sạt lở và ngập nước gây ảnh hưởng đến các vùng chuyên canh cây ăn trái. Theo báo cáo của Trạm Thủy lợi huyện Châu Thành, toàn huyện có khoảng 82 điểm có nguy cơ sạt lở trên 3.000 m, có thể gây mất đất trên diện tích 15.000 m2, gần 1.700 ha vườn cây ăn trái có nguy cơ ngập nước. Từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 16 vụ sạt lở, tình trạng ngập nước đã xuất hiện ở một số nơi, dự báo từ nay đến cuối năm còn 4 đợt triều cường lớn, nếu kết hợp với mưa kéo dài sẽ gây ngập trên diện rộng. Hiện nay, huyện Châu Thành đang vận động người dân cùng góp công gấp rút hoàn thành 2 tuyến đê bao quan trọng ảnh hưởng đến nhiều vườn cây ăn trái. Tuyến đê bao dọc kênh Bà Tài ở xã Đông Thạnh dài trên 1.700 m đang được huyện đầu tư kinh phí thuê các máy lấy đất từ lòng kênh đắp mặt đê, làm ta luy (san bằng đất rồi đắp cao hai bên mép) rồi đổ cát và đá ở giữa, tạo nên bờ đê cao 2,5m, rộng 3m, vừa là công trình đê bao vừa kết hợp đường giao thông nông thôn. Người dân dọc tuyến kênh đã tình nguyện hiến đất, hoa màu và làm các cống, bọng để tưới tiêu nước từ kênh và vườn.

Nông dân Tạ Thành Hưng chia sẻ: Đoạn dọc tuyến kênh Bà Tài này các năm trước đều xảy ra tình trạng nước tràn đê gây ngập nước một số vườn cây, nay đắp đê bao cao như vậy chắc sẽ không ngập nữa, người dân càng phấn khởi hơn khi có đường đi lại thông thoáng, thuận lợi. Lúc trước ở đây có đê đất thấp nên tôi dùng thân dừa đục rỗng làm bọng tưới tiêu nước trong vườn, nay Nhà nước làm đê bao chắc chắn nên tôi cũng bỏ kinh phí để làm bọng kiên cố bằng ống nhựa lớn, vừa để tưới tiêu nước vườn cây ăn trái vừa thay đổi nước thường xuyên để tránh phèn và lấy phù sa bồi đắp cho đất.

Trong khi đó, trên tuyến kênh Cái Nhum ở xã Đông Phước A, công nhân và người dân đang tấp nập thực hiện các khâu cuối của đê bao dài 2.200 m. Các máy kobe, xáng dây đã đưa đất từ lòng kênh đắp cao trên bờ đê, người dân tình nguyện đắp ta luy, công nhân bơm cát và đổ đá giữa 2 ta luy, dân làm ta luy đến đâu thì công nhân bơm cát và đổ đá đến đó. Tuyến đê này được đắp cao 2,3 m, rộng 3m được đổ cát và đá chắc chắn để người dân đi lại thuận lợi.

Nhà vườn Đặng Vũ Hoàng cho biết: Trước đây, mỗi khi có triều cường và mưa lớn là nước từ kênh lại tràn bờ gây ngập vườn, người dân tốn rất nhiều tiền để bơm tháo nước nhằm bảo vệ cây trồng, mỗi khi có mưa lớn là các nhà vườn đều ăn ngủ không yên, thức thâu đêm để kiểm tra các đoạn bị sạt lở, các khu vườn bị ngập nước để kịp thời gia cố và bơm thoát nước. Bên cạnh đó, đường đất trời mưa lầy lội không đi lại được, mỗi khi đưa con đi học là phải gửi xe lại nhà các hộ dân bên kia kênh rồi chèo ghe về nhà. Nay đê được đắp cao khỏi phải lo vườn cây bị ngập nước và đi lại dễ dàng hơn, xe máy chạy tới tận nhà không phải gửi nơi khác nữa.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành Nguyễn Văn Trương cho biết: Hiện Châu Thành làm các đê bao thủy lợi có nhiều đổi mới, những lần trước làm đê bao chỉ cần cho máy kobe, xáng dây múc đất từ lòng kênh, lòng sông đắp lên bờ, nay để hạn chế lấy đất nhiều ở lòng sông, lòng kênh gây sạt lở nên chỉ lấy một phần đất đắp lên bờ rồi làm ta luy hai bên, sau đó bơm cát rồi đổ đá lên trên, như vậy đê bao sẽ cao, rộng và chắc chắn hơn, vừa làm đê bao chống lũ, vừa là đường giao thông thuận tiện cho người dân. Huyện đã rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện như máy bơm, máy kobe, xáng dây, áo phao và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác để chủ động xử lý khi xảy ra sạt lở, ngập nước. Đồng thời vận động người dân, nhất là các nhà vườn kiểm tra đê bao khu vực vườn cây ăn trái, kịp thời khắc phục những nơi có nguy cơ tràn nước hoặc báo lên trên để xử lý, gia cố cống, bọng để dễ dàng thoát nước chống ngập.

Nguyễn Xuân Dự