Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bảo tồn di sản kiến trúc gỗ Châu Á nhìn từ trường hợp Việt Nam và Nhật Bản

(11:01:25 AM 25/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Đó là chủ đề cuộc hội thảo quốc tế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam và Hội Kiến trúc sư, Kỹ sư toàn Nhật Bản tổ chức ngày 25/10 tại thành phố Huế, nhằm hướng tới xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể cho khu di sản Huế.

Ảnh: minh họa

 

Tại hội thảo có 10 tham luận trình bày. Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư và kỹ sư đến từ Việt Nam, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn di sản kiến trúc của hai nước, từ đó đưa ra những định hướng trong tương lai cho việc bảo tồn bền vững và phát huy những giá trị của Quần thể di tích Huế - Di sản văn hóa thế giới.

Tiến sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: Tồn tại gần 1,5 thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại ở Cố đô Huế một khối lượng di sản kiến trúc khổng lồ bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình di sản kiến trúc gỗ đặc sắc. Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nhiều di sản văn hóa ở Việt Nam và Nhật Bản nói chung và di sản văn hóa Huế nói riêng đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực nảy sinh từ những thay đổi trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và những biến đổi của tự nhiên, môi trường thiên nhiên khắc nghiệt.

Từ 1994 đến nay, Nhật Bản là quốc gia đã dành nhiều sự quan tâm đặc biệt cho công cuộc nghiên cứu, bảo tồn kiến trúc gỗ thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế. Giai đoạn từ 2005-2010, Đại học Monotsukuri (Nhật Bản) đã tiến hành hỗ trợ trùng tu di tích Long Đức Điện, năm 2010-2015 triển khai dự án phục hồi Chiêu Kính Điện. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Đại học Waseda tiếp tục hợp tác trong công tác quản lý di sản và giảm thiểu hiểm họa thiên tai; cùng với Đại học Monotsukuri tiến hành thủ tục ký kết văn bản hợp tác cho dự án phục nguyên Thái Tổ Miếu (Hoàng thành Huế) vào những năm tiếp theo...

Phát biểu tại hội thảo, bà Katherine Muller Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các nhà tài trợ cũng như các chuyên gia trong nước và quốc tế, đã tiến hành trùng tu nhiều công trình kiến trúc gỗ, mang lại một khối lượng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm lớn. Hội thảo này là dịp để hệ thống lại các bài học kinh nghiệm, đồng thời đảm bảo rằng những kiến thức mới này sẽ được chia sẻ rộng rãi tới các chuyên gia quốc tế. Bà cũng mong muốn trong một ngày không xa, việc trùng tu các di sản kiến trúc ở Huế sẽ trở thành những điển hình xuất sắc, tương tự như trường hợp của Nara hay Horyu-ju Kondo (Nhật Bản).

Bảo tồn kiến trúc gỗ cũng chính là quản lý bền vững các di sản thế giới, điều này hết sức quan trọng trong việc hướng tới tăng cường năng lực cho các di sản thế giới, bà Katherine Muller Marin khẳng định.

Quốc Việt