Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Điều trị nghiện các chất ma túy bằng Methadone đã đem lại hiệu quả tích cực

(08:26:48 AM 24/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Thời gian qua, việc điều trị bằng thuốc Methadone cho người nghiện ma túy tại tỉnh Phú Thọ bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo các lợi ích về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, hạn chế lây nhiễm HIV, giảm tái nghiện, cải thiện chất lượng cuộc sống, quan hệ gia đình và xã hội cho người nghiện ma túy. Từ những hiệu quả đem lại, tỉnh Phú Thọ đã quyết định nhân rộng điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone ra toàn tỉnh.

Ảnh: minh họa

 

Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, trong giai đoạn 2014-2015, tỉnh Phú Thọ sẽ nhân rộng mô hình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ra các huyện Đoan Hùng, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Cẩm Khê và thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ. Mục tiêu trong giai đoạn này sẽ thực hiện điều trị bằng thuốc Methadone cho 1.000 người, đảm bảo đạt khoảng 50% số người nghiện trong tỉnh được điều trị. Tỉnh Phú Thọ cũng đã quyết định dành 6,4 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo các cơ sở điều trị, mua sắm trang thiết bị và vận hành cơ sở điều trị.

Theo đánh giá, chương trình điều trị nghiện các chất ma túy bằng Methadone đã đem lại hiệu quả tích cực. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, số lượng bệnh nhân hiện được điều trị bằng Methadone là 550 người, tăng 270 người so với cùng kỳ; trong đó 100% bệnh nhân được điều trị bằng thuốc methadone có đánh giá hiệu quả điều trị là rất tốt. Tỷ lệ bệnh nhân sử dụng heroin giảm từ 100% trước khi tham gia điều trị xuống 12% sau 6 tháng điều trị và xuống 6% sau 9 tháng điều trị, dự kiến 100% bệnh nhân sẽ ngừng sử dụng heroin sau 12 tháng điều trị. Không phát hiện nhiễm mới HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu trong số các bệnh nhân tham gia điều trị. 100% bệnh nhân phục hồi sức khỏe thể chất, tâm thần và đã tham gia các hoạt động lao động, học tập, tái hòa nhập cộng đồng…

Hiện nay, Phú Thọ có 2282 người nghiện trong cộng đồng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy ở Phú Thọ nói chung còn gặp nhiều khó khăn, do chưa có thuốc đặc trị mà chỉ dùng thuốc cắt cơn kết hợp với tập luyện, lao động đơn giản nên hiệu quả cai nghiện còn hạn chế, khả năng tái nghiện cao khi trở về cộng đồng.

Thạc sỹ, Bác sỹ Hồ Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường lợi ích kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Tuy vậy, chương trình điều trị Methadone trong thời gian tới cũng sẽ gặp không ít khó khăn do kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất và nhân lực phục vụ còn rất hạn chế, số lượng bệnh nhân tham gia điều trị còn ít. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về chương trình Methadone, mở các hội nghị đồng thuận ở cấp xã, phường để tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể, khu dân cư và nhân dân để thu hút bệnh nhân, mở rộng độ bao phủ của chương trình Methadone.

* T ỉnh Tuyên Quang đang triển khai thực hiện đề án xã hội hóa điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Mục tiêu của tỉnh là đến năm 2020 có ít nhất 70% người nghiện ma túy được điều trị cai nghiện bằng Methadone.

Theo đó, từ nay đến năm 2020, ngoài việc mở rộng 2 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất Methadone là Trung tâm Y tế thành phố Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương, tỉnh sẽ thành lập thêm 2 cơ sở điều trị Methadone mới là Trung tâm y tế huyện Yên Sơn, Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa. Cùng với đó tỉnh sẽ đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS là một trong những mục tiêu ưu tiên trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt những địa phương có số người nhiễm HIV và người nghiện ma túy cao; đẩy mạnh hoạt động phối hợp liên ngành trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục và hỗ trợ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Tỉnh chỉ đạo các cơ sở điều trị Methadone phân vùng, tiếp cận người bệnh trên địa bàn, đảm bảo việc điều trị thuận tiện cho người bệnh; xây dựng kế hoạch cụ thể mở các điểm cấp phát thuốc Methadone tại các huyện phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương; tăng cường đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn… cho người sau điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone…

Tuyên Quang hiện có 1.311 người nghiện ma túy. 2 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất Methadone là Trung tâm Y tế thành phố Tuyên Quang và Trung tâm Y tế huyện Sơn Dương đang điều trị cai nghiện cho 155 người. Từ khi 2 cơ sở đi này đi vào hoạt động (năm 2013), công tác cai nghiện tại Tuyên Quang đã có những kết quả tích cực, hiệu quả mô hình mang lại đã mở ra hy vọng mới cho người nghiện và những người thân của họ. Đa số người điều trị tại đây đều có tiến bộ tốt, sức khỏe ổn định và tuân thủ các quy định, nội quy cơ sở đề ra.

* Tỉnh Lâm Đồng đang triển khai chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, ma túy bằng Methadone cho người nghiện trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần giảm tỷ lệ người sử dụng các chất dạng thuốc phiện bất hợp pháp, giảm tỷ lệ tội phạm xã hội có liên quan tới các chất dạng thuốc phiện.

Trước mắt, chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone được thực hiện từ năm 2014- 2016 với một cơ sở điều trị được đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lâm Đồng (số 4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, thành phố Đà Lạt). Theo Sở Y tế Lâm Đồng, mục tiêu đến hết năm 2014 sẽ điều trị cho 120 người nghiện bằng Methadone, trong hai năm 2015 và 2016 mỗi năm sẽ điều trị cho 550 người nghiện cũng bằng Methadone.

Việc triển khai chương trình điều trị nghiện ma túy bằng Methadone của tỉnh Lâm Đồng cũng được xem là một trong những giải pháp để giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện và từ nhóm người nghiện ra cộng đồng, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện.

Hiện Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp tuyên truyền, tư vấn về ý nghĩa, mục đích và hiệu quả của việc điều trị nghiện bằng Methadone cho người nghiện, gia đình người nghiện, những người có liên quan và cộng đồng xã hội. Ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cũng phối hợp các cơ quan chức năng để quản lý người nghiện cai nghiện tại cộng đồng và giới thiệu người nghiện tham gia điều trị tại cơ sở điều trị bằng Methadone, cũng như có kế hoạch hỗ trợ người sau cai nghiện tìm việc làm và hòa nhập cộng đồng.

Lâm Đào An, Vũ Quang Đán, Hoàng Liên Sơn