Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam chú trọng thực thi pháp luật và tuyên truyền giảm sử dụng động vật hoang dã

(13:11:20 PM 22/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày 21/10, tại Hà Nội, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức “Hội thảo APEC về giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã trái phép” nhằm chia sẻ, chuyển giao kiến thức, kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể, hướng tới xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động để duy trì và phát triển có hiệu quả sự hợp tác bền vững trong kế hoạch giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã.

Việt Nam chú trọng thực thi pháp luật và tuyên truyền giảm sử dụng động vật hoang dã

Ảnh minh hoạ IE


CITES là Công ước quốc tế giữa các Chính phủ với mục tiêu kiểm soát hoạt động buôn bán quốc tế mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã một cách bền vững trên toàn thế giới. Với vai trò to lớn về mọi mặt gồm kinh tế, chính trị, văn hoá, các nền kinh tế trong khối APEC cần phải cùng nhau nâng cao tinh thần hợp tác trên nguyên tắc bình đẳng, thấu hiểu và tương trợ để cùng giải quyết các thách thức mới nổi trong khu vực. Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học và hệ sinh thái độc đáo, phong phú với nhiều kiểu hệ sinh thái đặc trưng bao gồm trên cạn, đất ngập nước, biển và ven biển; hơn 12.000 loài thực vật bậc cao, trên 1.600 loài động vật hoang dã là thú, chim, bò sát và ếch nhái.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Việc buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã trái phép đang trở thành vấn đề cấp bách, khu vực APEC đang phải đối mặt với vấn nạn buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã với quy mô ngày càng lớn và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây ra tổn thất to lớn cho các Chính phủ cũng như đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học của môi trường tự nhiên. Vì thế, Việt Nam đã hết sức chú trọng đến công tác thực thi pháp luật và tuyên truyền nhằm giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã trái phép.

Tháng 2/2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành chỉ thị đặc biệt chỉ đạo tất cả các Bộ, ngành phải thực hiện mọi biện pháp khẩn cấp để giải quyết vấn nạn này. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có các Chương trình hành động cụ thể đối với từng loài như Kế hoạch hành động bảo tồn Voi đến năm 2020, Chiến lược bảo tồn Hổ đến năm 2022, Chương trình quốc gia về giảm cầu sử dụng sừng tê giác.

Ông Ngãi cũng cho biết, hiện nay nhu cầu sừng tê giác ở Việt Nam đã giảm 33% trung bình trên cả nước, đặc biệt là nhu cầu ở Hà Nội đã giảm tới 77%.

Nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các loài động vật, thực vật hoang dã, Chính phủ đã ban hành danh mục các loài động vật, thực vật rừng nguy cấp, quí, hiếm qui định trên 250 loài thực vật và động vật rừng thuộc nhóm đầu. Những năm gần đây, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trong quá trình sửa đổi Bộ Luật hình sự để nâng mức độ hình phạt đối với tội vi phạm qui định về bảo vệ đối với động vật hoang dã, quý hiếm. Công tác tuyên truyền giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã cũng được coi là một ưu tiên hành động, thể hiện rõ trong Chương trình Hành động Quốc gia về Kiểm soát buôn bán trái phép các loài hoang dã xuyên biên giới từ nay đến năm 2020.

Để thúc đẩy hợp tác APEC trong lĩnh vực động vật hoang dã, cần xây dựng và triển khai các dự án hợp tác nâng cao thực thi pháp luật, tuyên truyền nâng cao nhận thức để giảm cầu sử dụng động vật hoang dã trái phép, từ đó thúc đẩy việc ngăn ngừa các hoạt động buôn bán trái phép. Mặt khác, cần tăng cường chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng và triển khai các chương trình tuyên truyền có tính đổi mới, tác động rõ ràng cụ thể, có thể đo lường được…

Hoàng Linh