Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Khu Kinh tế Vũng Áng do Formosa đang thực hiện. Ảnh tư liệu
Đề xuất này đã vượt khỏi khuôn khổ luật pháp Việt Nam bởi theo Luật Thương mại, doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài muốn kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hải chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỉ lệ góp vốn không quá 49%.
Ngoài chuyện ồ ạt đưa lao động người Trung Quốc vào Khu Kinh tế Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), thời gian qua, nhà đầu tư này liên tiếp có những đề xuất lạ: đòi thành lập đặc khu của DN tại Khu Kinh tế Vũng Áng; xây dựng miếu thờ; đề nghị được xây nhà để bán cho người nước ngoài cũng như người trong nước. Đáng nói hơn, Formosa còn đưa ra ý tưởng thiết lập vành đai xanh cách ly giữa người dân xung quanh với đặc khu...
Lý do Formosa đưa ra để xin lập đội tàu biển là thời gian tới, mỗi năm DN này sản xuất được hơn 7 triệu tấn thép thành phẩm, trong đó có 3 triệu tấn tiêu thụ tại Việt Nam nên phải vận chuyển đến TP HCM và Hà Nội. Còn việc thành lập đặc khu trong Khu Kinh tế Vũng Áng là để phục vụ quá trình xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện...
Vũng Áng là khu vực nước sâu nằm ở cửa phía Nam vịnh Bắc Bộ. Từ đây có thể điều phối tàu thuyền nói riêng và giao thông đường biển nói chung với toàn miền Bắc. Với vị trí nhạy cảm như vậy, việc cấp phép cho các DN nước ngoài làm “bản địa” hoạt động phải hết sức thận trọng, nếu không sẽ gây nhiều hệ lụy, trước hết là về an ninh, quốc phòng.
Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trên danh nghĩa là của Đài Loan nhưng hầu hết lao động lại là người Trung Quốc. Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Hà Tĩnh, tính đến tháng 10-2014, có 5.917 lao động nước ngoài làm việc tại Khu Kinh tế Vũng Áng, trong đó lao động Trung Quốc là 4.268 người. Riêng tại công trình dự án Formosa có 4.154 lao động Trung Quốc nhưng chỉ 1.400 người được cấp phép. Nếu Formosa thành lập đặc khu kinh tế và được xây nhà để bán cho người nước ngoài, trong tương lai, nơi đây sẽ trở thành nơi “ngoại bất nhập”.
Chính sách thu hút đầu tư được Chính phủ Việt Nam thể hiện rất rõ là luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nước ngoài đến làm ăn trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Formosa cũng vậy, từ khi đặt chân vào Việt Nam, họ đã nhận được rất nhiều ưu đãi, như cho phép hưởng thuế thu nhập DN ở mức chỉ 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; được hưởng cơ chế, tiêu chuẩn đặc thù để giải quyết nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu bổ sung lao động người nước ngoài của dự án Formosa Hà Tĩnh... Thế nhưng, dường như nhà đầu tư này chưa thỏa mãn nên liên tiếp đề xuất những chuyện mà theo các chuyên gia kinh tế là “trên thế giới chưa có tiền lệ”.
Formosa Hà Tĩnh thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan, là nhà đầu tư lớn nhưng không lẽ khi vào Việt Nam làm ăn, họ không điều nghiên trước các chính sách, quy định của pháp luật để biết đâu là giới hạn? Những yêu sách của nhà đầu tư này là kiểu “được voi đòi tiên” hay còn mục đích nào khác?