Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Dùng năng lượng tái sinh chống biến đổi khí hậu

(12:16:31 PM 21/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Biến đổi khí hậu làm diện tích rừng ngập mặn, lượng nước ngầm ở nước ta suy giảm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến môi trường và việc phát triển kinh tế - xã hội

 Dùng năng lượng tái sinh chống biến đổi khí hậu
Trồng rừng ngập mặn ở Khánh Hòa để bảo vệ môi trường biển


Theo Liên đoàn Quy hoạch - Điều tra tài nguyên nước Miền Trung, dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ ở Việt Nam sẽ tăng thêm từ 1,6 đến 3,7 độ C. Căn cứ vào số liệu quan trắc thực tế đang được liên đoàn này điều tra tại 7 tỉnh ở Nam Trung Bộ, trữ lượng nước ngầm đến năm 2020 sẽ giảm khoảng 20%, tương đương 856.000 m3 (đã trừ phần nước bổ sung từ mưa). Trong khi đó, lượng nước cần sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội tăng lên 30%, tương đương 1.254.000 m3.

Ngoài nguồn nước, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết rừng ngập mặn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trong vòng 13 năm qua, gần 20.000 ha rừng ngập mặn đã biến mất (hiện còn khoảng 168.688 ha). Nguyên nhân là do nhiệt độ tăng trung bình hằng năm từ 0,5 đến 0,7 độ C trong vòng 50 năm qua, nước biển dâng cao hơn tạo sóng lớn phá hoại nền đất, xây thủy điện trên sông Mê Kông, chặt phá rừng mưu sinh, nuôi tôm, xây khu nghỉ mát…

Ông Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường Đại học Cần Thơ, cảnh báo: Hiện nay, vùng ĐBSCL đang chịu tác động kép từ hiện tượng biến đổi khí hậu và 11 dự án thủy điện từ thượng nguồn sông Mê Kông. Theo ước tính của Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế (ICEM, thuộc Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam), các thủy điện giữ đến 75% lượng phù sa xuống đồng bằng, từ 165 triệu tấn/năm còn 42 triệu tấn/năm và làm thay đổi chế độ thủy văn của dòng sông. Cùng với sự nóng lên của trái đất, nước biển dâng sẽ khiến tình trạng xâm nhập mặn “ăn” sâu vào đất liền hơn ở mùa khô.

“Tác động kép này khiến ĐBSCL bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai. Nếu nước biển dâng lên 1 m thì ít nhất 25% diện tích đất nông nghiệp bị ngập mặn, 50% nhiễm mặn không trồng lúa được. Dự đoán đến giữa thế kỷ XXI, sản lượng lúa ở ĐBSCL sẽ giảm 50%” - ông Tuấn lo ngại.

Theo Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, việc ứng phó với biến đổi khí hậu bao gồm biện pháp giảm thiểu và thích nghi. Với điều kiện Việt Nam hiện nay, biện pháp thích nghi - điều chỉnh các hoạt động theo thời tiết là phù hợp nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Dieter Seifried, Giám đốc Eco-Watt GmbH (Cộng hòa Liên bang Đức), cho rằng cần tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái sinh như điện gió, điện mặt trời, sinh học để giảm thiểu nguy cơ xâm hại đến môi trường.

Kỳ Nam - báo NLĐ