Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Theo các chuyên gia, QĐ-50 không ảnh hưởng đến người tiêu dùng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Hài hòa lợi ích các bên
Ông Hoàng Văn Thức, Chánh văn phòng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị soạn ra dự thảo quyết định 50/2013/QĐTTg để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành, cho biết việc xây dựng dự thảo này tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xây dựng một nghị định.
Ông Thức giải thích, quy trình nghiêm ngặt thể hiện ở việc cơ quan soạn thảo này cũng phải tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến của các bộ ngành khác, địa phương, đặc biệt là khối doanh nghiệp trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất quan tâm, đưa ra nhiều ý kiến. Sau đó, đơn vị soạn thảo công khai lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường, Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đăng báo chí, tiếp tục tổ chức hội thảo ở nhiều vùng miền, với doanh nghiệp trong và ngoài nước…, trong các hội thảo đó, đều phải giải trình, tiếp thu lấy ý kiến của rất nhiều bên. Phải mất 2 năm nghiên cứu, lấy góp ý, soạn thảo rất cẩn thận mới ra được dự thảo quyết định 50 trình Thủ tướng phê duyệt.
“Đây là quy định liên quan đến tài chính, gắn trách nhiệm của các nhà sản xuất, phân phối sản phẩm điện tử nên đã tính toán rất kỹ để hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất cung ứng với việc bảo vệ môi trường, không thể làm qua loa”, ông Thức nói.
Cũng theo ông Thức, tính đến trước thời điểm có quyết định này và Luật Môi trường 2014 có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 thì Việt Nam vẫn buông lỏng quản lý rác thải điện tử, tuy có thu gom nhưng không làm triệt để. Các nhà sản xuất, phân phối chỉ việc bán sản phẩm cho người tiêu dùng chứ không có trách nhiệm phải thu hồi lại, tái chế hay tiêu hủy theo quy trình để đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, sau ngày 1.1.2015, khi quyết định có hiệu lực sẽ kiểm soát được chất thải điện tử thải ra môi trường. Ở nhiều nước, những sản phẩm điện tử phải có thời hạn bảo hành, sử dụng. Sau khi hết hạn sử dụng, nhà sản xuất sẽ phải thu hồi để xử lý, tránh gây ô nhiễm môi trường.
Đang xây dựng thông tư
“Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cho xây dựng Thông tư hướng dẫn quyết định 50 này và sẽ ban hành sớm. Đây là quy định mới, nhiều nước trên thế giới đã có rồi, Việt Nam đi sau thôi nhưng không thể buông lỏng mãi”, ông Thức nói.
Ông Dương Thanh An, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị đang soạn thảo Thông tư hướng dẫn quyết định 50/2013/QĐTTg, cho biết đang tổ chức lấy ý kiến để tiếp thu.
Theo ông An, Thông tư này sẽ quy định chi tiết về thu hồi, vận chuyển sản phẩm thải bỏ; xử lý sản phẩm thải bỏ; quản lý dữ liệu, thông tin, báo cáo về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thiết lập điểm thu hồi tại các vị trí để người tiêu dùng hoặc người thu gom chuyển sản phẩm thải bỏ đến thuận lợi. Số lượng điểm thu hồi và vị trí điểm thu hồi tùy thuộc vào lượng sản phẩm bán ra, đặc điểm tính chất của sản phẩm…
Tổng cục Môi trường là cơ quan chủ trì (có thể phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh) xem xét, quyết định số lượng và vị trí các điểm thu hồi thuộc địa bàn cấp tỉnh trên cơ sở báo cáo của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu về danh sách các điểm thu hồi. Khi thay đổi về số lượng, vị trí các điểm thu hồi doanh nghiệp sẽ phải báo với Tổng cục Môi trường để xem xét.
Tiêu chuẩn của điểm thu hồi như thế nào?
Ông Dương Thanh An - Ảnh: Tổng cục Môi trường
Ông An cũng cho biết, các điểm thu hồi cũng phải đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như phải có thiết bị lưu chứa sản phẩm thải bỏ có kích thước phù hợp với từng sản phẩm, đảm bảo không phát sinh chất thải độc hại ra môi trường. Mỗi điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ phải có biển thông báo dòng chữ “Điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ” và được dịch sang tiếng Anh. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu ngoài trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình cũng được tiếp nhận sản phẩm thải bỏ cùng loại của đơn vị khác tại các điểm thu hồi.
Riêng với điểm thu hồi để lưu giữ tạm thời và trung chuyển sản phẩm thải bỏ đến nơi xử lý phải có hạ tầng kỹ thuật bảo đảm lưu giữ không phát tán chất độc hại ra môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Vụ Chính sách và Pháp chế của Tổng cục Môi trường cũng cho hay các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu được phép liên kết với nhau để thu hồi, vận chuyển và xử lý sản phẩm thải bỏ. Khi liên kết phải căn cứ vào thị phần sản phẩm bán ra thị trường Việt Nam của từng doanh nghiệp và báo cáo cơ quan quản lý Nhà nước. Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu có thể tự xử lý hay liên kết với doanh nghiệp khác để cùng xử lý hoặc thuê cá nhân, tổ chức đủ điều kiện để xử lý sản phẩm thải bỏ. Tuy nhiên, việc xử lý phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn kỹ thuật về bảo môi trường, không phát tán độc hại, có thể tái chế sử dụng lại. Trước ngày 30.1 năm tiếp theo, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu phải gửi báo cáo về lượng sản phẩm đã đưa ra thị trường của năm trước; lượng sản phẩm thải bỏ đã thu hồi và xử lý của năm trước đến Tổng cục Môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
Công khai số liệu thu hồi hằng năm
Ông An cũng cho biết thêm, Tổng cục Môi trường sẽ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sản phẩm thải bỏ theo các thông tin: Danh sách các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ; Hệ thống các điểm thu hồi và cơ sở xử lý sản phẩm thải bỏ; Số lượng sản phẩm đã được bán ra thị trường Việt Nam hằng năm; Số lượng sản phẩm thải bỏ đã được thu hồi và xử lý được hằng năm tại Việt Nam; Số lượng sản phẩm thải bỏ đã được thu hồi và vận chuyển ra nước ngoài hằng năm… Các thông tin này sẽ nược đăng trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường (www.vea.gov.vn).