Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: minh họa
Trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, voi không chỉ là một tài sản lớn của gia đình, mà có vị trí quan trọng đời sống vật chất, văn hoá tinh thần; nhiều người còn xem voi như một thành viên trong nhà, trong cộng đồng mình. Ở xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước có một gia đình người dân tộc M’Nông là một trong những gia đình như thế. Họ cũng là người đang nỗ lực để duy trì và bảo vệ những chú voi hiếm hoi còn lại ở đại ngàn.
Dù chỉ mới ngoài 20 tuổi đời, nhưng anh Điểu Trọng đã có hơn 10 năm gắn bó với những con voi của gia đình, điều này giúp anh có thêm kinh nghiệm trong quá trình thuần dưỡng voi.
Theo anh Trọng, tuy có nhiều động tác điều khiển nhưng những tín hiệu bằng âm thanh của người quản tượng vẫn là quan trọng nhất và voi sẽ ứng xử theo ý chủ. Voi tuy to lớn và cồng kềnh là thế nhưng rất khéo léo.
Anh Điểu Trọng cho biết: “Thuần phục voi cũng rất dễ, voi rất nghe lời và hiểu ý của chủ. Nó giúp ích cho mình rất nhiều. Với nó, tôi thấy gần gũi lắm. Khi nó đau, nó bệnh tôi hấy thương và lo lắng lắm”.
Từ một giống vật hoang dã khi được thuần dưỡng, dần dần voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống sinh hoạt hàng ngày nơi đây.
Anh Điểu Vóc, thôn Đak La, xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước cho hay: “Mình nuôi dưỡng nó cho tốt, mình chăm sóc nó chẳng hạn voi nó có bệnh này kia thì mình phát hiện sớm thì mình biết cái cách để mình cúng điếu nó để tồn tại lại”.
Ngoài việc sử dụng voi làm sức kéo phụ giúp bà con những công việc nặng như kéo gỗ, vận chuyển hàng hóa, đối với người M’Nông, voi còn là biểu tượng cho sự may mắn. Do đó, dù đã có rất nhiều người hỏi mua nhưng gia đình nhất quyết không bán, mà giữ lại, nuôi dưỡng, nhằm truyền lại cho lớp con cháu. Bởi không chỉ là một tài sản lớn của gia đình, mà voi còn có vị trí quan trọng đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; thậm chí, voi được coi như một thành viên trong cộng đồng.
Anh Điểu Vóc, thôn Đak La, xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, Bình Phước chia sẻ: “Hồi xưa ông bà, ông cố nội để lại rồi tới mình bây giờ rồi mình cũng phải để lại cho con cái mình sau này. Vì sao vậy ạ? Vì mình coi nó như cái đồ vật quý giá đối với bản thân mình, đã gắn bó với mình”.
Hiện nay, Bình Phước có 6 hộ dân ở huyện Bù Đăng đang nuôi 8 con voi cái, giống châu Á, trọng lượng 2 - 3 tấn/con, độ tuổi 30 - 50 tuổi, trong đó 7 con khỏe mạnh, có khả năng sinh sản tốt. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, bắt đầu từ quý tư này, đơn vị sẽ hỗ trợ 4 hộ dân nuôi voi ngụ xã Đak Nhau, huyện Bù Đăng, số lượng 4 con, với mức bình quân 500.000 đồng/tháng/con theo tâm tư, nguyện vọng của các hộ nuôi voi cũng như góp phần định hướng ý thức, trách nhiệm cho mỗi thành viên trong cộng đồng xã hôi gìn giữ, bảo tồn đàn voi.