Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Tây Ninh: trồng rừng trên diện tích bị lấn chiếm đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng

(09:29:20 AM 18/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Tây Ninh cho biết: Sở đã đề nghị Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng phối hợp UBND huyện Tân Châu, Đảng uỷ, UBND xã Tân Hòa quán triệt Quyết định của UBND, tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân thực hiện nghiêm chủ trương trồng rừng của tỉnh; đồng thời khẩn trương đưa số diện tích đất bị lấn chiếm vào trồng rừng kịp thời vụ năm 2014.

Tây Ninh: Khẩn trương trồng rừng trên diện tích bị lấn chiếm đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng

 Khẩn trương trồng rừng trên diện tích bị lấn chiếm đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng-Ảnh "TL


Liên quan đến tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ Dầu Tiếng, trong 2 năm 2012-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh và huyện Tân Châu đã ban hành 117 Quyết định (trong đó UBND tỉnh Tây Ninh ban hành 76 Quyết định) buộc 117 hộ dân tại ấp Con Trăn, xã Tân Hòa, huyện Tân Châu phải khắc phục ngay hậu quả về hành vi lấn chiếm, phá rừng phòng hộ Dầu Tiếng để làm nương rẫy, bằng biện pháp di dời toàn bộ công trình xây dựng và cây trồng sai mục đích khỏi đất vi phạm để giao Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý, trồng lại rừng theo đúng quy định, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

 Theo Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, từ năm 2013 về trước đã xảy ra nhiều trường hợp người dân tại ấp Con Trăn, xã Tân Hòa vào rừng phòng hộ (khu vực đầu nguồn hồ Dầu Tiếng) đốt phá rừng làm rẫy, sau đó lấn dần, mở rộng diện tích để trồng cao su và cây nông nghiệp khác (sắn, cây lâu năm). Thống kê của UBND xã Tân Hòa cho thấy, có đến 266 ha rừng phòng hộ đã bị 117 hộ dân lấn chiếm để làm nương rẫy. Do thời gian lấn chiếm đã qua nhiều năm, không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, nên chính quyền địa phương huyện, tỉnh chỉ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, nhưng người dân ở đây vẫn cố tình không chấp hành, trong khi chính quyền địa phương chưa kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế, đến nay số diện tích rừng bị phá vẫn còn là đất trống, người dân ở đây đang quản lý, sử dụng cho mục đích sản xuất nông nghiệp.

 Kết luận tại cuộc họp gần đây với Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và UBND huyện Tân Châu, ông Tạ Văn Đáo, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, do xét thấy hoàn cảnh gia đình người dân ở đây còn rất nhiều khó khăn (hơn phân nửa là người dân tộc), nên tỉnh chủ trương cho mỗi hộ được hợp đồng lại với Ban quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng khoảng 3 ha/hộ trên phần diện tích trước đây người dân vi phạm để trồng lại rừng theo mô hình sao - dầu - cây phụ trợ khác, nhưng không phải là cây cao su, nhằm giúp bà con ổn định cuộc sống.

Trong thời gian tới, khi tỉnh triển khai đề án chi trả dịch vụ môi trường rừng, những hộ hợp đồng trồng rừng, nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ rừng sẽ được hỗ trợ thêm kinh phí ngoài phần chi của ngân sách nhà nước theo định mức. Mặt khác, để chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc ấp Con Trăn có hợp đồng trồng rừng, tỉnh còn có chính sách khác như đào tạo nghề, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, hướng dẫn trồng cây dưới tán rừng…để nâng cao thu nhập .

Lê Đức Hoảnh