Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế trong việc thực thi chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu và thực tiễn ở Việt Nam".
Phát biểu khai mạc, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhấn mạnh: Biến đổi khí hậu đang đặt ra nhiều thách thức và khó khăn to lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, một quốc gia có đường bờ biển dài trên 3.600 km.
Tại hội thảo, tham luận của các chuyên gia trong và ngoài nước, các địa phương đều khẳng định Việt Nam đã cảm nhận rõ những tác động tiêu cực của quá trình biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra, như mùa khô kéo dài, nước biển xâm nhập sâu vào các sông, tần suất bão nhiều hơn và cường độ bão, sức tàn phá cũng lớn hơn…
Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, ông Dieter Seifried, Giám đốc Eco- Watt GmbH của Cộng hòa Liên bang Đức đã trình bày chính sách bảo vệ môi trường và nguồn năng lượng của Đức, tập trung vào việc thay thế nguồn năng lượng tái sinh. Nhờ chính sách này, trong giai đoạn từ 1990- 2012, Đức đã giảm tỷ lệ khí thải CO2 xuống 25%, nhưng vẫn đạt được mức tăng trưởng GDP lên 37% trong cùng thời gian đó. Các nguồn năng lượng thay thế bao gồm: Năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sinh học… và đến nay nguồn năng lượng này ở Đức chiếm khoảng 30% trong tổng số năng lượng tiêu thụ.
Trên phương diện khác, bà Dorothea Konstantinidis, chuyên gia về biến đổi khí hậu của Cộng hòa Liên bang Đức cho rằng, ngoài vai trò của chính phủ trong việc ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, xã hội dân sự đóng góp rất lớn trong việc hình thành các mô hình thực thi đạt hiệu quả cao. Hiện nay đã có 66 quốc gia tham gia tích cực vào việc hạn chế biến đổi khí hậu với hơn 470 chính sách được áp dụng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu chung của toàn cầu, do đó chính phủ các nước, các tổ chức phi chính phủ cần có sự liên kết, phối hợp nhiều hơn, tạo thêm nhiều chính sách thực hiện.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia của Việt Nam, đại diện các địa phương cũng trình bày một số vấn đề đáng quan tâm như: Thực trạng và giải pháp bảo vệ và phát triển rừng ven biển ở Việt Nam nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; bước đầu nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước vùng ven biển Nam Trung bộ của Việt Nam và đề xuất giải pháp ứng phó; tổng quan về thị trường các-bon toàn cầu và chính sách của Việt Nam…