Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ngân sách “tôm hùm”

(10:17:57 AM 17/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Các nơi được uống “bầu sữa ngân sách” đang thi nhau chọn “tôm hùm” trong bối cảnh bao nhiêu thứ khác đáng phải chi tiêu hơn.

Ngân sách “tôm hùm”
Công trình nhà hát ba nón lá 220 tỉ đồng vẫn còn đang ngổn ngang - Ảnh: Tiến Long


Chuyện vô số công trình xây rồi bỏ không hoặc sử dụng kém hiệu quả được các cơ quan truyền thông phanh phui gần đây cho thấy sự lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư công ở nước ta. Nguyên nhân là do cơ chế phân bổ ngân sách làm tất cả đều chọn “tôm hùm” như câu chuyện dưới đây.

Câu chuyện được lưu truyền rất phổ biến trong giới học thuật Hoa Kỳ là tất cả sinh viên rủ nhau đi ăn nhà hàng đều chọn tôm hùm - món đắt tiền nhất. Chuyện xảy ra như vậy là do thỏa thuận chia đều chi phí thay vì ai ăn gì trả nấy như truyền thống của người Mỹ.

Nếu trả tiền theo lựa chọn cá nhân thì mỗi người sẽ chọn món phù hợp với sở thích và túi tiền của mình. Có thể phần lớn sẽ chọn bánh pizza với giá 5 USD.

Tuy nhiên, với thỏa thuận chia đều chi phí thì chẳng ai dại gì chọn pizza vì sẽ bị thiệt khi người bên cạnh gọi tôm hùm với giá 20 USD.

Tất cả đều chọn tôm hùm, cho dù có người thấy tôm hùm không ngon bằng pizza hay tiếc đứt ruột vì chi tiêu hoang phí trong khi còn bao nhiêu khoản khác cần phải chi của đời sống sinh viên khó khăn. Với lựa chọn này, phúc lợi chung của toàn xã hội không tối ưu, nguồn lực bị sử dụng lãng phí.

Đây cũng là vấn đề nghiêm trọng trong việc phân chia ngân sách ở Việt Nam. Các nơi được uống “bầu sữa ngân sách” đang thi nhau chọn “tôm hùm” trong bối cảnh bao nhiêu thứ khác đáng phải chi tiêu hơn. Đơn vị nào, địa phương nào cũng chỉ quan tâm đến mình được gì mất gì.

Giữa nhóm dự án mang lại lợi ích cho nhiều người và không một cá nhân hay nhóm người nào có quyền được hưởng lợi quá nhiều từ dự án đó với nhóm dự án mang lại lợi ích rất lớn cho một số ít người nhưng chi phí lại được chia đều cho tất cả người đóng thuế thì thường các dự án nhóm hai được chọn.

Lý do vì số đông “thiểu số” kia không phải là người ra quyết định, mà thực tế chính thiểu số “to lớn” nọ mới có quyền lựa chọn.

Những dự án càng khó xác định hiệu quả nhưng dễ thuyết phục vì những lý do nhạy cảm như: vì người nghèo, bảo tồn văn hóa truyền thống, đền ơn đáp nghĩa... càng được ưa thích.

Đơn giản vì chúng là các công trình chuyên biệt rất khó ước tính chi phí và lợi ích, cũng như không biết tốt xấu khi sử dụng nên tha hồ xà xẻo.

Ở khu vực công, những lời lẽ tốt đẹp như: vì cái chung, vì cộng đồng... thường được nhắc đến. Tuy nhiên, bản chất của con người là vị kỷ, làm việc gì cũng thường tính toán thiệt hơn cho mình trước chứ không phải vì cái chung.

Ngay cả ở những nước có trình độ phát triển cao và văn minh nhất thế giới như một số nước Bắc Âu chẳng hạn, hầu hết công chức đi làm cũng vì bản thân và gia đình họ chứ không phải vì người khác.

Do vậy, các chính sách cần được thiết kế theo nguyên tắc lợi ích chung phải cùng hướng với lợi ích riêng, nếu ngược lại thì phần thua thiệt thường thuộc về số đông.

Với triết lý đó, để việc sử dụng ngân sách mang lại lợi ích cho quảng đại người dân, Nhà nước cần phải có “khế ước” sao cho các nhóm đối tượng được thụ hưởng lợi ích từ dự án có quyền tham gia quá trình đánh giá, ra quyết định, triển khai và giám sát việc thực hiện các dự án đó một cách thực chất, đồng thời hạn chế quyền quyết định quá lớn vào một hoặc một số ít người.

HUỲNH THẾ DU & ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright)