Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Ông Bíu vươn khơi, bám biển làm giàu

(08:56:03 AM 17/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Đi lên từ hai bàn tay trắng, ngư dân Nguyễn Hữu Bíu (sinh năm 1954) hiện có hai con tàu đánh cá lớn nhất ở tỉnh Quảng Bình, với tổng công suất 1.600 mã lực, giá trị h ơn 14 tỷ đồng. Chuyện ông Bíu vươn khơi, bám biển làm giàu không phải đến hôm nay mới được thể hiện qua đôi tàu lớn này, mà đã được ghi dấu từ lâu trong lòng người dân nơi đây.

Ảnh: minh họa


Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy nắng và gió Bảo Ninh , thành phố Đồng Hới - quê hương của Mẹ Suốt anh hùng, sau khi học xong phổ thông, ông Bíu nhập ngũ theo tiếng gọi của Tổ quốc. Đến năm 1977, ông về lại mảnh đất quê h ương, xây dựng gia đ ình, nối nghiệp cha ông theo nghề biển.

Thời gian đầu, cuộc sống mưu sinh của ông Bíu và gia đình gặp vô vàn khó khăn do phương tiện đánh bắt cá là thuyền bơ nan nhỏ, chỉ ăn quẩn gần bờ mà thôi. Ngày đó, cứ mỗi lần đi đánh cá, nhìn biển trời quê hương mênh mông mà không thể ra được do thuyền quá bé, ông Bíu ức lắm. Vì vậy, trong ông luôn thường trực ước mơ có một chiếc tàu vỏ gỗ đủ lớn, cưỡi sóng, lướt gió, bám biển khơi xa làm giàu.

Để thực hiện ước mơ, ông Bíu chịu khổ, chắt chiu từng đồng tiền nhỏ từ các chuyến đi biển để tích tụ vốn chờ thời điểm thích hợp đóng tàu. Ban đầu là con tàu vỏ gỗ 12 mã lực, rồi đến 16, sau đó ông Bíu đã đóng được tàu 50 mã lực, lớn nhất ở xã Bảo Ninh vào thời điểm những năm 90. Có được tàu đủ lớn, ra được khơi xa, bám biển dài ngày, với hiệu quả sản xuất cao, nhiều người ở xã Bảo Ninh thấy tự hào cho ông và cho quê hương. Tuy nhiên, ông Bíu vẫn chưa muốn dừng lại, bởi với ông, biển quê hương vẫn đang còn mênh mông lắm, phải tiến tới làm chủ mà khai thác và sản xuất để làm giàu hơn nữa. Nhưng vốn liếng có hạn, mà bao năm qua có được bao nhiêu ông đã tập trung đầu tư hết rồi.

Năm 1997, Nhà nước có chương trình hỗ trợ vốn cho ngư dân vươn khơi, ông Bíu vô cùng phấn khởi, xung phong trở thành một trong những người đầu tiên ở xã biển Bảo Ninh đăng ký tham gia chương trình. Có được nguồn vốn vay, cộng với vốn tích cóp được, ông Bíu đóng được tàu đánh cá vỏ gỗ công suất 125 mã lực, đủ sức vươn khơi, chịu được sóng to gió lớn, bám biển dài ngày. Thời điểm này, phong trào ngư dân ở xã Bảo Ninh học tập nhau vươn lên, vượt vùng lộng ra khơi cũng đã nhiều.

Để phát huy sức mạnh tập thể, ông Bíu cùng những ngư dân khác trong xã có vốn đầu tư đã lập nên Hợp tác xã đánh bắt cá xa bờ Nhật Lệ II. Hơn 10 năm bám biển xa sản xuất, Hợp tác xã này là đơn vị duy nhất ở Quảng Bình không những trả được hết nợ và lãi vay ngân hàng mà còn giúp các xã viên có của ăn của để. Riêng ông Bíu còn sắm được ô tô 4 chỗ ngồi để đi giao dịch, mua bán vật tư, hải sản phục vụ sản xuất của hợp tác xã. Đây cũng chiếc xe ô tô hiện đại đầu tiên mà ngư dân xã vùng biển Bảo Ninh khó khăn này mua được.

Năm 2010, nhận thấy mô hình Hợp tác xã không phù hợp trong tình hình phát triển kinh tế mới, ông Bíu và các xã viên khác đã bàn bạc và đi đến thống nhất giải tán. Thời điểm này, khác với nhiều người ở cái tuổi có thể nghỉ hưu hoặc chọn nghề khác nhẹ nhàng hơn, ông Bíu vẫn quyết định tiếp tục bám trụ với biển, ý chí vươn khơi thậm chí ngày càng mạnh mẽ . Ông thanh lý cả 4 chiếc tàu đánh cá của mình để tập trung vốn chuyển sang đầu tư xây dựng một chiếc tàu khác to hơn, vững chãi hơn, có thể chống chọi với sóng to gió lớn, có thể ra khơi bám biển dài ngày .

Đến năm 2011, ông Bíu đã đóng mới được chiếc tàu vỏ gỗ có công suất 900 mã lực, tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng, là chiếc tàu đánh cá do ngư dân đóng được lớn nhất tại tỉnh Quảng Bình cho đến thời điểm đó. Với việc tổ chức sản xuất hợp lý, phương pháp đánh bắt hiện đại bằng vây rút chì kết hợp ánh sáng, mỗi chuyến ra biển đều từ 15 đến 30 ngày, từ khi đưa con tàu vào khai thác đã cho hiệu quả kinh tế cao ngay từ buổi đầu. Một năm sau, ông Bíu lại mạnh dạn đóng thêm 1 chiếc tàu mới có công suất 700 mã lực, với giá trị đầu tư cũng gần 7 tỷ đồng. Đến nay, với hai con tàu này, ông Bíu đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 60 lao động tại quê hương với mức thu nhập bình quân từ 3,5 đến hơn 4 triệu đồng/người/tháng.

Khi mặt trời bắt đầu dần khuất dạng phía chân trời, trước khi chia tay, chúng tôi tò mò hỏi ông Bíu, giờ có hai chiếc tàu lớn thế rồi, có lẽ bác sẽ thôi nghĩ đến đầu tư tàu lớn hơn nữa chứ. Hiện nay là thời điểm đầu tư rất thuận lợi vì Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản, nhất là ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ ngư dân vay vốn đóng tàu vỏ thép, công suất lớn. Không một phút suy nghĩ, ông Bíu khẳng định sẽ không tham gia vay vốn mà dành cơ hội này cho những ngư dân khác, những người có đủ khả năng, tầm nh ìn, nh ưng đang gặp khó khăn về vốn để đầu tư phát triển tàu đánh cá khơi xa .

Riêng ông, năm nay đã 60 tuổi nhưng ông vẫn sẽ cùng các con tiếp tục phát triển đội tàu ngày một hoàn thiện hơn, đáp ứng khả năng sản xuất trong tình hình mới, nếu cần ông cũng sẽ tiếp tục đóng mới tàu có công suất lớn hơn chứ không dừng lại. Nhìn cách làm, nghe cách nói, chúng tôi biết rằng, ông còn hăng hái lắm, đúng với cái tên mà nhiều ngư dân nơi đây yêu mến gọi “ông Bíu vươn khơi, bám biển làm giàu”.

Bích Ngọc