Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hội nghị giới thiệu và lập kế hoạch triển khai việc xây dựng “Chương trình quốc gia về kiểm soát buôn bán và sử dụng trái phép các loài hoang dã nguy cấp quý hiếm”
Tình trạng buôn bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm trong thời gian gần đây đang có diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn tài nguyên thiên nhiên. Buôn bán trái phép động vật hoang dã làm suy giảm lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, tạo doanh thu bất hợp pháp, gây bất ổn an ninh quốc gia và tạo nguy cơ xuất hiện, lây lan các bệnh truyền nhiễm. Thực hiện Quyết định số 1250/QĐ-TTg ngày 31 tháng 07 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, được sự đồng ý của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam tiến hành tổ chức cuộc họp khởi động xây dựng Chương trình quốc gia về kiểm soát buôn bán và sử dụng trái phép các loài hoang dã nguy cấp quý hiếm.
Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc CITES Việt Nam phát biểu “Để có thể tham mưu cho cấp thẩm quyền ban hành Chương trình trên với các giải pháp hiệu quả, yêu cầu cần thiết là phải xác định nguyên nhân sâu xa của các hạn chế trong xây dựng Chính sách, thực thi pháp luật, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực bảo vệ rừng và động vật, thực vật hoang dã. Bộ công cụ phân tích về tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và động vật, thực vật hoang dã của Liên minh Quốc tế về đấu tranh chống tội phạm loài hoang dã (ICCWC)đáp ứng mục đích này.”Bộ công cụ này được các chuyên gia quốc tế của ICCWCcập nhật năm 2012 và đã được thí điểm thực hiện tại một số quốc gia như Bangladesh, Peru, Gabon và Nepal.
Với tư cách là cơ quan chủ trì điều phối việc áp dụng bộ công cụ trên toàn cầu, ông Jorge Rios, Giám đốc Chương trình toàn cầu về chống Tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ rừng và loài hoang dã thuộc Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) giới thiệu khái quát nội dung của Bộ công cụ cho các đại biểu và nhấn mạnh: “Các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương chính là các đơn vị đóng vai trò quyết định trong toàn bộ quá trình triển khai phân tích Bộ công cụ này. Họ sẽ lựa chọn những nội dung cần đánh giá, tiến hành các chuyến đi khảo sát thực tế nhằm thu thập thông tin, xây dựng một kế hoạch tổng thể và lâu dài đấu tranh với nạn buôn bán, tiêu thụ trái phép loài hoang dã ở Việt Nam.”
Tại hội nghị, đại diện của các Bộ, ngành đều thống nhất sự cần thiết phải áp dụng bộ công cụ với sự chủ động tham gia và phối hợp chặt chẽ để xác định các hành động ưu tiên nhằm giải quyết tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép loài hoang dã. Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, với sự tư vấn kỹ thuật của các chuyên gia tư vấn từ UNODC và Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã (WCS), đóng vai trò là cơ quan đầu mối sẽ làm việc với Nhóm công tác bao gồm đại diện các cơ quan thực thi pháp luật như Cục kiểm lâm, Vụ pháp chế thanh tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Cục Cảnh sát môi trường, Tổng cục Hải quan, Cục Khai thác nguồn lợi thủy sản và Cơ quan cảnh sát hình sự quốc tế Interpol. Theo kế hoạch, CITES Việt Nam sẽ hoàn thiện bản sơ thảo nội dung Chương trình quốc gia trong khoảng cuối năm 2014 hoặc đầu năm 2015.