Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vai trò của cây xanh đô thị trong cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(14:08:09 PM 14/10/2014)
(Tin Môi Trường) - TMT giới thiệu bài viết của GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về Vai trò của cây xanh đô thị trong cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Vai trò của cây xanh đô thị trong cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Ảnh minh hoạ: IE

 

I. VAI TRÒ VÀ TÍNH NĂNG CỦA CÂY XANH ĐÔ THỊ ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG & BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

 

Cây xanh có tính năng cải thiện môi trường đô thị và là 1 nhân tố quan trọng để đô thị ứng phó với BĐKH, bởi vì: 

 1. Ảnh hưởng của cây xanh đối với không khí và vi khí hậu đô thị

Người ta thường ví cây xanh đối với môi trường đô thị tương tự như là lá phổi hô hấp của con người.

- Khi gió thổi không khí xuyên qua cây xanh, hàm lượng bụi trong không khí sẽ được các lá cây giữ lại phần lớn, làm cho không khí trong sạch hơn. Cây càng rậm rạp, lá càng sù sì thì bụi càng dễ bám hơn. Khi lá cây đã bám đầy bụi, trời mưa sẽ rửa sạch lá và lá sẽ tiếp tục chu kỳ hấp phụ bụi. Tổng lượng bụi được bám giữ trên 1 cây có tán lá lớn, rậm có thể đạt tới từ 10-30kg. Nồng độ bụi trong không khí thổi qua cây xanh có thể giảm đi từ 20-60%.

- Dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, cây xanh sẽ hút nước từ đất, hấp thụ nhiệt bức xạ mặt trời và hấp thụ khí cacbonic (CO2) từ không khí để tiến hành lục diệp hóa và nhả ra khí Oxygen (O2) - rất hữu ích đối với sức khỏe con người và giảm thiểu khí "nhà kính" (gây biến đổi khí hậu). Vì vậy so với vùng đất trống không trồng cây, thì nhiệt độ không khí ở vùng cây xanh ban ngày thấp hơn từ 1-30C, hàm lượng oxy trong không khí lớn hơn tới 20% và hàm lượng CO2 ít hơn. Trong quá trình lục diệp hóa cây xanh sẽ hấp thụ bức xạ mặt trời, hấp thụ nhiệt nên có tác dụng làm giảm sự chói chang trong những ngày nắng nóng, giảm phản xạ bức xạ mặt trời lên công trình, làm giảm nhiệt độ không khí dưới vùng cây xanh và có thể làm tăng độ ẩm không khí từ 2% - 5%, tăng độ ẩm không khí cũng là có lợi đối với ngày khô nóng (gió Lào).

Theo tài liệu nghiên cứu của Nhật Bản:

+ Trung bình 1 ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1000kg CO2 và thải ra 730kg O2 mỗi ngày. Trung bình 1 ha thảm cỏ thể hấp thụ 360kg CO2 và thải ra 240kg O2 mỗi ngày.

+ Trung bình 1 người lớn mỗi ngày đêm hô hấp 0,75kg O2 và thải ra 0,9kg CO2. Do đó mỗi người dân đô thị cần có diện tích khoảng 10m2 cây xanh hoặc 25 m2 thảm cỏ để bảo đảm chất lượng không khí tốt cho cuộc sống của con người.

 - Cây xanh có khả năng hấp thụ tiếng ồn. Khả năng hấp thụ tiếng ồn của cây xanh phụ thuộc vào dải cây xanh rậm rạp hay thưa thớt, rộng hay hẹp, cao hay thấp. Các hàng cây rậm rạp có thể hấp thụ và làm giảm tiếng ồn khoảng 2 d.

- Cây xanh có tác dụng sát trùng, diệt các vi trùng, vi khuẩn độc hại, vệ sinh môi trường, hấp thụ các khí độc hại, như là các loại cây sau (xếp thứ tự từ cây có tác dụng sát trùng cao đến thấp): các loại cây thông, sồi đỏ, sồi đen, trắc bá diệp, linh sam, trăn, dâu da, v.v…

2. Giảm thiểu úng ngập và ô nhiễm môi trường đất, nước

- Cây xanh có khả năng lưu giữ một phần nước mưa trên cây, giữ cho mặt đất xốp cùng với hệ rễ cây đâm sâu xuống đất giúp cho nước mưa thẩm thấu nhanh xuống đất, làm giảm tình trạng úng ngập trong đô thị. Cũng nhờ tính năng này mà ở vùng trung du và miền núi, rừng cây xanh có tác dụng điều hòa nước mưa, làm giảm xói lở đất, giảm lũ tràn, lũ ống, lũ quét.

 - Cây xanh có khả năng hấp thụ nhiều chất ô nhiễm độc hại trong môi trường nước và trong môi trường đất, đặc biệt là hấp thụ và giữ chứa lâu dài các chất kim loại nặng, như là chì, asen, thủy ngân... trong các mô bì của lá cây, trong thân cây, cành cây và rễ cây     Do cây xanh có khả năng hấp thụ chất ô nhiễm cho nên hiện nay người ta đã sử dụng một số loài thực vật trong dây truyền hệ thống xử lý nước thải, và đang nghiên cứu sử dụng một số loài thực vật để xử lý ô  nhiễm đất, hấp thụ kim loại nặng, phục hồi chất lượng đất, kể cả hấp thụ Dioxin trong đất.

 3. Tăng mỹ quan đô thị

Hệ thống cây xanh đô thị làm tăng thẩm mỹ cảnh quan đô thị, tạo ra cảm giác êm dịu về mầu sắc và môi trường khí hậu đô thị, tôn cao giá trị thẩm mỹ của các công trình kiến trúc, các đài kỷ niệm, các danh lam, thắng cảnh, phục vụ cho nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn mục của nhân dân đô thị, cũng như các khách vãng lai và khách du lịch.

 II. HỆ THỐNG CÂY XANH TRONG ĐÔ THỊ


Hệ thống cây xanh trong đô thị bao gồm:

1. Cây xanh công cộng, bao gồm 3 nhóm chính: Cây xanh sử dụng công cộng (công viên, vườn hoa, vườn dạo, vườn thú, vườn đài tưởng niệm, quảng trường...);  cây xanh đường phố và cây xanh chuyên dụng (cách ly, vệ sinh công nghiệp…)

2. Cây xanh trong các lô đất xây dựng công trình, bao gồm cây xanh trong các lô đất công trình xây dựng và trong các khu/cụm công nghiệp, v.v…

Để đánh giá tình trạng cây xanh trong đô thị, người ta thường dùng “Chỉ tiêu cây xanh đô thị” (đơn vị đo là m2 diện tích cây xanh trên đầu người dân).     

 

Bảng 1 dưới đây cho chỉ tiêu cây xanh thực tế của một số đô thị ở nước ta và một số đô thị trên thế giới. Xem xét số liệu ở bảng 1 ta thấy tuy nước ta là nước nhiệt đới nhưng chỉ tiêu cây xanh đô thị lại rất nhỏ bé so với các đô thị điển hình trên thế giới và cũng chỉ bằng khoảng 1/2 - 1/3 trị số quy định của Quy chuẩn QCXD 01:2008/BXD do Bộ Xây dựng ban hành.

 

ai trò của cây xanh đô thị trong cải thiện môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

(Bị chú: (1)- Số liệu trên được thu thập vào năm 2008; (2)-Theo quy định của Quy chuẩn QCXD 01:2008/BXD).


Nguyên nhân chính gây ra tình trạng chỉ tiêu cây xanh đô thị ở nước ta bé nhỏ là do đồ án quy hoạch xây dựng đô thị ở nước ta đã coi thường vai trò của cây xanh trong đô thị, không tuân thủ các Quy chuẩn Quốc gia về quy hoạch đô thị.

III. MỌI NGƯỜI PHẢI CÓ Ý THỨC CHĂM SÓC CÂY XANH

Để cây xanh phát triển bền vững và phát huy giá trị về môi trường, ứng phó với BĐKH và mỹ quan đô thị, mọi người dân cũng như mọi tổ chức có liên quan cần phải có ý thức và biết cách duy trì, chăm sóc và bảo vệ cây xanh đô thị, đăc biệt là đối với cây xanh đường phố.

1. Lựa chọn cây xanh trồng phù hợp với đô thị, như là: Cây gỗ sống lâu năm thân nhẵn, có tán đẹp, hoa đẹp, lá xanh quanh năm, cây dẻo giai khó gãy, chống được gió bão, chịu cắt xén khi cần, cây có hệ rễ khỏe, rễ cọc sâu, chịu được mực nước ngầm cao (ở vùng đồng bằng), cây không gây ra độc hại đối với con người;

2.Không bóc vỏ cây, không đóng đinh sắt hay buộc giây thép vào cây để treo quảng cáo và các tải trọng nặng vào cây;

3. Đối với cây xanh đường phố: Không được đổ bê tông hay lát gạch kín xung quanh gốc cây làm cho nước mưa không thể thấm xuống dễ cây, đễ cây không thể “thở được” và cây sẽ tàn lụi; Không được tự tiện chặt cành cây ngả về phía nhà mình làm cho cây xanh bị lệch tâm, có thể bị đổ khi mưa bão; Khi đào đất xây tường nhà, hay khi đào rãnh xây cống, hào, tuy nel cạnh các hàng cây phải hết sức hạn chế chặt phá các dễ của cây, phần lớn các cây cổ thụ ở đường phố bị mưa bão quật đổ là bộ dễ của chúng đã bị con người xâm phạm như trên. Đối với các phố cũ đã trồng cây, nhất là các phố trong nội thành, cần phải chăm sóc cây hiện có, thay thế những cây già cỗi, rỗng ruột, thối rễ, tán lá bị vỡ không còn tác dụng che bóng mát và trang trí. Những cây không thích hợp phải thanh lý và trồng cây khác. Cây xanh đường phố cần phải được quản lý một cách có tính hệ thống.

GS.TSKH.NGND Phạm Ngọc Đăng