Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Bụi trùm lên nhà, phủ trắng đồng ruộng, đá bay tung tóe khắp nơi, sạt lỡ xuống ruộng vườn. Người dân phải tìm đủ mọi cách để bảo vệ mình, bảo vệ ngôi nhà. Điều đáng nói, đơn vị này đã hết hạn giấy phép khai thác từ 3 năm nay nhưng vẫn ngang nhiên khai thác mà không bị bất kỳ cơ quan nào phát hiện và xử lý.
* Sống trong "bão bụi, mưa đá"
Bụi trùm lên nhà, phủ trắng đồng ruộng là thảm cảnh mà nhiều hộ dân thôn Ninh Tiến, Đồng Chùa, xã Tuân Lộ, huyện Sơn Dương phải chung sống nhiều năm nay. Cuộc sống bình yên của người dân ở vùng đất này hoàn toàn bị đảo lộn mỗi lần công ty khai thác đá này nổ mìn, nghiền đá.
Ông Nguyễn Hữu Toàn, thôn Ninh Tiến, xã Tuân Lộ, cho biết: Doanh nghiệp Đức Tiến khai thác đá ở đây đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống bà con trong khu vực. Những lúc nổ mìn hay nghiền đá, tiếng ồn rất lớn, nói chuyện cũng không nghe thấy. Cách đó không xa, 3 lớp mầm non với 120 cháu học sinh từ 2 tuổi đến 4 tuổi đang học tập. Cứ đà này, vài năm nữa, học sinh sẽ bị điếc do ảnh hưởng của tiếng ồn này. Ngoài ra, con đường nối ba thôn do Bộ Giao thông Vận tải rải nhựa, đoạn nối với Quốc lộ 2C dài khoảng hơn 200m đã bị ôtô đi lại cày nát hết. Trong các cuộc họp thôn và các cuộc họp Hội đồng nhân dân, bà con đã có ý kiến nhưng chẳng có phản hồi.
Nhà nằm ngay chân núi, chỉ cách mỏ khai thác đá khoảng 100m, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, thôn Đồng Chùa, xã Tuân Lộ, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhớ như in lần nổ mìn năm 2013, ông Hùng kể lại: Đợt đó, sau khi công ty nổ mìn, hàng trăm khối đá sạt xuống vườn nhà ông. Chỉ cách nhà ở chính khoảng 20m, những phiến đá to bằng chiếc xe trâu, có viên to hàng mấy khối tràn xuống vườn làm hỏng gần 10 bụi tre, 2 cây nhãn dập nát chỉ còn trơ gốc. Vậy mà, đơn vị này cũng chỉ bồi thường cho ông được 3 triệu đồng trong khi giá trị thực tế tài sản của ông là hơn 10 triệu đồng. Họ cam kết rút kinh nghiệm nhưng thời gian sau họ lại cho nổ mìn và đá lại sạt xuống vườn, bay vào nhà.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh vườn, tận mắt chứng kiến những viên đá còn sót lại tại đây và trên mái nhà, ông Hùng cho biết thêm: Riêng năm nay, nhà ông đã bị ba lần đá bay vào nhà, ông đã báo lên chính quyền xã yêu cầu đơn vị thi công sang làm cam kết, nhưng họ không sang. Căn nhà ông ở mới được xây dựng kiên cố, nhưng việc nổ mìn với khối lượng lớn đã khiến ngôi nhà bị nứt nhiều chỗ, kèm theo đó là khói bụi mù mịt bao trùm quanh nhà.
Để đối phó với các cơn "bão bụi", các hộ dân nơi đây đã phải đóng chặt cửa, dùng tấm bạt để che lại toàn bộ hiên nhà và giếng nước. Ở đây, máy nghiền đá mỗi khi hoạt động thì bụi phát tán rất lớn, bám đầy trên mặt lá, trắng một lớp khiến cây trồng kém năng suất, anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn Đồng Chùa, cho biết.
* "Con voi chui lọt lỗ kim"
Căn cứ vào giấy phép khai thác số 64/GP-UBND ngày 7 tháng 9 năm 2009, UBND tỉnh Tuyên Quang cấp cho Doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến, đơn vị được khai thác trong vòng 2 năm. Tại vùng mỏ rộng 3,5 ha, sau khi đã hết hạn giấy phép, nhiều năm nay doanh nghiệp này vẫn thường xuyên tiến hành khai thác đá trái phép. Điều kỳ lạ là không có bất cứ cơ quan chức năng nào phát hiện, xử lý.
Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Quang Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Tuân Lộ. Lúc này, ông Thọ mới biết rằng đơn vị này đã hết hạn khai thác. Theo ông Thọ, hiện nay, địa bàn xã có 4 đơn vị khai thác đá vôi. Tuy nhiên, xã không có đầy đủ hồ sơ về số đơn vị này nên không biết đơn vị nào hết hạn khai thác. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại không tự giác báo cáo khi được gia hạn hoặc hết hạn, thông báo của Sở Tài nguyện Môi trường về xã không kịp thời. Việc xã không có hồ sơ đầy đủ về các đơn vị khai thác mỏ trên địa bàn gây khó khăn rất lớn trong công tác quản lý.
Theo cán bộ địa chính nông nghiệp, xây dựng môi trường xã Tuân Lộ, về hồ sơ của doanh nghiệp tư nhân Đức Tiến, xã không có bất kỳ giấy tờ gì hết. Trong báo cáo cuối năm 2013, UBND xã đã đề nghị các đơn vị trên địa bàn thường xuyên gửi công văn, giấy tờ liên quan đến việc khai thác khoáng sản lên xã. Tuy nhiên, đến nay xã vẫn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào. Để quản lý tốt, đề nghị cơ quan cấp trên quan tâm, chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn xã thường xuyên liên lạc, gửi hồ sơ liên quan để xã quản lý thuận lợi hơn.
Tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Quyết định số: 13/2007/QĐ-UBND, ngày 25 tháng 7 năm 2007 quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân trong quản lý và hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Thế nhưng, nghịch lý "Con voi chui lọt lỗ kim" đang diễn ra, có thể thấy rằng việc phối hợp trong quản lý từ cấp xã đến huyện, tỉnh đang có nhiều bất cập.