Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Bùn đỏ ở Tây Nguyên: Không lo vỡ đập nhưng lo tràn hồ!

(15:32:05 PM 13/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, các hồ trữ bùn đỏ ở Tân Rai và Nhân Cơ có sức chịu lực rất tốt, nên khả năng vỡ đập là khó xảy ra. Song với đặc điểm khí hậu Tây Nguyên mưa nhiều, cường độ lớn sẽ dễ xảy ra tình trạng tràn hồ bùn đỏ như vừa qua.

 

Bùn đỏ ở Tây Nguyên: Không lo vỡ đập nhưng lo tràn hồ!

TS. Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao đổi về những vấn đề liên quan đến sự cố tràn hồ bùn đỏ trong thời gian vừa qua.


Gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tràn hồ bùn đỏ ở các khu luyện bô xít alumin khiến dư luận không khỏi lo ngại. Xin ông cho biết bản chất của bùn đỏ là gì và nó có tác hại thế nào đến con người, môi trường?


Bản chất đất bazan là đất đỏ nên khi gặp mưa, tạo thành bùn thì bao giờ cũng có màu đỏ. Người ta gọi là bùn đỏ chủ yếu là gọi theo màu sắc của đất bazan. Có hai loại bùn, bùn đỏ gây độc hại và bùn đỏ không gây độc hại.


Bùn đỏ gây độc hại là bùn đỏ chỉ được dùng trong quá trình làm giàu alumin và chế biến từ quặng bô xít nhôm alumin. Khi đó buộc người ta phải dùng quá trình sunfit hóa. Quá trình làm giàu alumin và sản xuất alumin từ quặng bô xít phải thải ra một lượng bùn không phải là nhỏ, và loại bùn đỏ này là bùn độc hại, bởi vì có lượng xút rất cao, khoảng 75kg xút/1 tấn bùn đỏ.


Vì có lượng xút cao và độ PH trong loại bùn đỏ độc hại này, nên có thể làm chết cây cỏ, động thực vật, làm phá hủy kim loại. Nếu chảy xuống các dòng sông, thủy điện có thể ăn mòn tuabin, hoặc có thể làm hỏng các công trình. Còn nếu chảy xuống nguồn nước thì nước đó sẽ không thể dùng được, đe dọa sức khỏe con người.


Loại bùn thứ hai là bùn đỏ nhưng không phải là bùn thải ra trong quá trình làm alumin mà do nước mưa tạo ra, do quá trình xói mòn, lở đất. Trong vùng khai thác bô xít, có một loại bùn ở giai đoạn 1, gọi là giai đoạn khai thác quặng bô xít, người ta thường dùng nước để rửa quặng, đưa nước vào trong hệ thống tuyển quặng, có thể tuyển bằng sàng, bằng guồng... sau đó rửa quặng này đi để lấy được quặng thô gồm có các bô xít. Nếu là bùn ở giai đoạn 1, tức là giai đoạn tuyển quặng bô xít thì loại bùn này cơ bản là không có xút và không gây độc hại.


Trên thế giới người ta sợ nhất là bùn đỏ do xút tạo ra. Nhưng cũng có thể trong các loại bùn đỏ sau khi rửa quặng tưởng là không độc hại lại có các kim loại khác đi kèm, thậm chí có thể có kim loại nặng hoặc có phóng xạ. Tuy nhiên, theo như kết quả phân tích thì loại bùn từ tuyển quặng bô xít ở Việt Nam hiện nay không có, hoặc tỷ lệ phóng xạ vô cùng thấp. Điều đó có nghĩa là khả năng độc hại gần như là không. Loại bùn từ tuyển quặng này cũng giống như các loại bùn đất bình thường, do mưa bão, sạt lở, lũ quét gây ra mà thôi.

 

Bùn đỏ ở Tây Nguyên: Không lo vỡ đập nhưng lo tràn hồ!



Dư luận đang rất lo lắng về nguy cơ tràn, vỡ đập bùn đỏ tại Tây Nguyên. Là người đã nhiều lần đến làm việc, khảo sát 2 nhà máy sản xuất bô xít là Tân Rai và Nhân Cơ, ông có đánh giá gì về công tác xử lý và đảm bảo hồ trữ bùn đỏ tại đây?


Theo như tôi biết thì hiện nay Tập đoàn than khoáng sản TKV đã xây 2 hồ ở Tân Rai với quy mô mỗi hồ khoảng 1 triệu tấn bùn và mỗi lần đầu tư khoảng trên 300 tỉ đồng. Những hồ này chịu được tất cả các áp lực, kể cả với động đất khoảng trên 7-8 độ richter, cho nên khả năng vỡ đập, vỡ hồ là rất khó.


Nhưng có một khả năng có thể xảy ra là cường độ mưa và mùa mưa Tây Nguyên tương đối lớn, thậm chí lượng mưa có thể lên tới 3.300mm ở vùng Bảo Lộc. Nếu trận mưa hàng trăm, hàng nghìn mm thì có thể làm tràn hồ bùn đỏ. Vỡ đập thì không thể, nhưng tràn bùn thì hoàn toàn có thể, cho nên giải pháp đặt ra là phải chống tràn bùn bằng cách theo dõi thời tiết và có biện pháp xả bùn đỏ một cách an toàn để không bị tràn, đảm bảo môi trường và cuộc sống của người dân.


Đây là giai đoạn trước mắt, còn trong vài năm tới, khi nhà máy luyện bùn đỏ thành thép, thành gang, thành sắt ra đời thì nguy cơ tràn, vỡ đập bùn đỏ sẽ không còn, vì khi đó bùn đỏ đã trở thành nguyên liệu và Nhà nước sẽ tiết kiệm được rất lớn chi phí xây hồ.


Ông vừa đề cập đến công nghệ luyện bùn đỏ thành gang, thép. Ông có thể phân tích kỹ hơn về công nghệ này?


Vừa qua chúng ta đã chế tạo thành công công nghệ luyện từ bùn đỏ thành sắt, thép. Có nghĩa là từ bùn đỏ luyện alumin, chúng ta đã lấy ra được lượng xút trong đó và làm cho bùn không còn lượng xút, hoặc lượng xút rất thấp, giảm độ PH xuống còn 6-7, khiến cho bùn đỏ luyện alumin không còn độc hại.


Loại bùn đỏ độc hại này sẽ được đưa vào trong lò cao, dùng hơi của lò cao bằng công nghệ mới tạo ra được gang hoặc sắt, với tỷ lệ lên đến 40-41%. Tức là bùn đỏ của Việt Nam qua quá trình laterit hóa có tỷ lệ oxit sắt 3 (Fe2O3) rất cao, từ 46-53% nên bùn đỏ Việt Nam là một mỏ sắt có trữ lượng trung bình. Với công nghệ chúng ta vừa mới làm và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì bùn đỏ của Tân Rai và Nhân Cơ, sau khi luyện xong và thải ra mỗi năm khoảng 1 triệu tấn lại trở thành mỏ có 400-500.000 tấn quặng sắt và luyện ra được sắt, gang.


Nhiều người lo ngại công nghệ luyện bùn đỏ thành gang, thép mới chỉ được thử nghiệm ở quy mô nhỏ và rất khó khả thi nếu chúng ta áp dụng trên diện rộng. Như vậy, những nguy cơ về bùn đỏ vẫn còn hiện hữu. Ông đánh giá sao về vấn đề này?


Không phải là mới thử nghiệm quy mô nhỏ mà đã được thử nghiệm lên đến 1.000 tấn. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới, không hề được làm trong phòng thí nghiệm. Do nhiều người không biết, không hiểu nên mới có suy nghĩ sai lệch như thế. Hiện nay quá trình sản xuất sắt từ bùn đỏ đã được lập thành dự án và chuẩn bị đầu tư. Tháng 10 tới đây sẽ báo cáo trước Chính phủ để thông qua dự án đầu tư luyện sắt từ bùn đỏ. Tôi cho là hoàn toàn khả thi.


Xin cảm ơn ông!

 

(Theo Một thế giới)