Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Lũ lụt gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL

(08:36:54 AM 13/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiến cứu nạn tỉnh Đồng Nai, từ ngày 10 đến 12/10, trên địa bàn tỉnh có lượng mưa lớn, cộng với triều cường và hồ Trị An tăng lượng xả tràn nên nhiều vùng trũng ven hạ lưu sông Đồng Nai bị ngập sâu trong nước.

Lũ lụt gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL

Lũ lụt gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL- Ảnh: TL

 

Những xã bị ngập nhiều là Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu); An Phước (huyện Long Thành); Phú Đông, Đại Phước, Phú Hữu (huyện Nhơn Trạch)... với độ sâu từ 0,3-0,6m, làm thiệt hại hàng trăm ha lúa, cây ăn trái. Theo thống kê ban đầu của các xã, diện tích bị ngập trên 200 ha. Ngập lụt làm một số cánh đồng người dân mới gieo sạ lúa vụ mùa bị mất trắng. Nhiều bờ bao của người dân ở các vùng trũng ven sông cũng bị vỡ gây ngập lụt.

 

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết qua rà soát huyện Long Thành hiện có 21 khu vực xung yếu dễ xảy ra ngập lụt. Các vị trí này thuộc các xã Cẩm Đường, Bàu Cạn, Lộc An, Phước Thái, Tam An, Phước Bình, An Phước, Suối Trầu và thị trấn Long Thành, với gần 930 hộ dân (trên 3.400 người) sinh sống. Nếu tiếp tục có các cơn mưa lớn, kéo dài, nước từ các nơi đổ về không thoát kịp, các khu vực trên thường bị ngập sâu từ 0,5- 0,8 mét.

 

Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Phước (huyện Long Thành), cho biết: Từ đầu mùa mưa đây là lần đầu tiên khu vực ấp 1,2,3 của xã bị ngập sâu với hơn 50 ha. Trong đó, hơn một nửa diện tích bị ngập là trồng cây ăn trái đặc sản như dâu, măng cụt, sầu riêng, còn lại là đất trồng lúa. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, từ ngày 11/10, triều cường có giảm nhưng vẫn ở mức cao, cộng với lượng xả của hồ Trị An khoảng 1.660 m3/s khả năng sẽ tiếp tục gây ngập lụt ở những vùng trũng ven sông Đồng Nai. Để đảm bảo an toàn cho người dân, UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện trên chuẩn bị sẵn phương tiện, địa điểm an toàn để di dời người dân trong trường hợp xảy ra ngập lụt.

 

Trong khi đó, tại Cần Thơ, trong một tuần qua, các quận, huyện trên địa bàn đã thu hoạch trên 14.000 ha lúa Thu Đông tránh lũ an toàn, nâng tổng diện tích đã thu hoạch đến nay được 58.539 ha đạt 93% diện tích đã gieo sạ. Năng suất lúa bình quân 51 tạ/ ha, cao hơn mức dự kiến 2 tạ/ha.

 

Dự kiến sản lượng cả vụ đạt trên 322.000 tấn, vượt kế hoạch 67.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Cần Thơ cho biết: Đạt được kết quả trên là nhờ địa phương chủ động đề ra kế hoạch hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của bão, lũ gây ra cho lúa Thu Đông. Quan trọng nhất là củng cố các công trình kiểm soát lũ Nam Đòn Dong - Bắc Cái Sắn, kênh Ô Môn - Xà No, rạch Ông Tà, kênh Miễu Cũ, Tư Dê, Hàm Tràm, Sình Cầu, Xẻo Cao, Bảy Đởm - Mương Dong đồng thời nâng cấp đê bao ngăn lũ tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền, quận Ô Môn, Thốt Nốt bảo đảmchủ động ngăn và thoát lũ cho 63.000 ha lúa. Hiện Cần Thơ huy động hết các lò sấy lúa, đưa vào hoạt động kết hợp với sử dụng lều sấy lúa, không để xảy ra tình trạng lúa bị ẩm mốc.

 

Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Cần Thơ, nước lũ còn dâng cao trong những ngày tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ đã chỉ đạo phòng nông nghiệp các quận, huyện nhắc nhở nông dân phòng chống ngập úng lúa đã thu hoạch; vận động chủ hàng có kho chứa, cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật ở vùng trũng, thấp, gần sông rạch di dời đến nơi an toàn trước khi nước lên gây ngập, trôi hàng hóa, gây ô nhiễm môi trường.

Lê Hiền-Thế Đạt