Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Bội thực" dự án lọc dầu và giá đắt phải trả !

(19:22:08 PM 09/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Thứ duy nhất Việt Nam nhận được từ các nhà máy lọc dầu là nó trở thành đầu tàu phát triển kinh tế nhưng cái giá phải trả quá đắt.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhận xét trước thực trạng phát triển ồ ạt các dự án lọc dầu tại Việt Nam.


"Bội thực" dự án lọc dầu và giá đắt phải trả !

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, PVN không nhận được gì từ nhà máy lọc dầu Dung Quất ngoài việc có một ngành dầu khí...



Dốc hàng nghìn tỷ ngân sách mỗi năm để có lãi?

Theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, PVN chỉ nhận đầu tư xây dựng 3 dự án lọc hóa dầu, đặt ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đó là nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) công suất 6,4 triệu tấn dầu thô/năm; Nghi Sơn (Thanh Hóa) công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm và Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Tuy nhiên, đến nay các nhà máy lọc hóa dầu phát triển ồ ạt với rất nhiều dự án, tập trung chủ yếu ở miền Trung.

Bất kỳ tỉnh nào cũng muốn có một nhà máy lọc hóa dầu bởi nó cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Cái tỉnh nhận được là có vốn FDI cực lớn cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ. Bởi thế, tỉnh nào cũng cố gắng chạy cho được dự án lọc hóa dầu, kêu gọi đầu tư, đưa ra đủ các chính sách ưu đãi. Thậm chí cách đây 10 năm còn có trào lưu làm nhà máy lọc dầu mini công suất 600 nghìn tấn/năm, 1-2 triệu tấn/năm… càng nhỏ càng dễ bán sản phẩm, khách hàng sẽ là người dân địa phương.

Việt Nam kỳ vọng các nhà máy lọc dầu sẽ giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động. Điều này có thể, bởi trong quá trình xây dựng nhà máy, bên cạnh hệ thống kỹ sư, hàng nghìn công nhân cũng đã được đào tạo.

Khi bố trí chỗ tái định cư cho người dân để làm dự án, các nhà đầu tư hứa hẹn rất nhiều, rằng sẽ nhận người lao động vào làm trong nhà máy nếu đủ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, như nói ở trên, các chủ đầu tư cử người đi đào tạo nhưng nếu người dân không có học, không có trình độ thì làm sao có thể đào tạo nổi hay tuyển dụng? Thành ra nhiều khi hứa là cứ hứa vậy thôi.

Tôi không phủ nhận việc nhà máy lọc hóa dầu là động lực, đầu tàu phát triển kinh tế của địa phương, nhưng để có được số vốn đầu tư lớn mà bất lợi cho nhà nước, cái giá phải trả quá lớn thì có đáng không?

Các dự án lọc hóa dầu chẳng khai thác được lợi thế gì của Việt Nam. Ngay nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam là Dung Quất có mỏ Bạch Hổ cũng đã phải nhập 10-20% sản lượng dầu thô, vậy nên tất cả các nhà máy khi đi vào hoạt động cũng đều phải nhập khẩu dầu thô, nghĩa là chịu sự chi phối của giá dầu thô thế giới.

Việt Nam chẳng thu được đồng thuế nào trừ chút thuế giá trị gia tăng, thậm chí còn phải bù thuế cho các nhà máy lọc dầu. Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn đang được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu.

Theo đó, Chính phủ bù thuế 7% cho mặt hàng xăng dầu của hai nhà máy này. Riêng đối với Dung Quất, PVN phải đứng ra bù thay ngân sách nhà nước dù về nguyên tắc, PVN là tập đoàn nhà nước. Đừng tưởng 7% là nhỏ, đó là hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Đổi lại, Dung Quất đang có lãi “tý teo”, vài nghìn tỷ đồng mỗi năm trong khi vốn đầu tư là 3 tỉ USD kèm chính sách hỗ trợ rất “khủng”.

Nói điều này để thấy ta đang phải bỏ tiền ngân sách để cho nhà máy lọc dầu Dung Quất có lãi. Và những ưu đãi này chắc chắn còn kéo dài, bởi nếu không nhà máy lại bị lỗ.

Đấy là PVN còn chịu được, nhưng các nhà đầu tư khác ở địa phương, ai chịu bỏ tiền ra?

Dự án Nghi Sơn cũng “đòi” bằng được chính sách ưu đãi tương tự như Dung Quất, thậm chí hơn bởi Dung Quất còn giới hạn đến năm 2017-2018, còn Nghi Sơn là hết đời dự án. Thậm chí, khi thực hiện dự án này, PVN còn phải bỏ thêm ra mấy nghìn tỷ để hỗ trợ địa phương giải phóng mặt bằng.

Về an ninh năng lượng, cứ cho rằng bây giờ có tiền thì nhập khẩu xăng dầu, nhưng khi có chuyện xảy ra hay bị cấm vận, dầu thô còn không vào được Việt Nam chứ đừng nói xăng dầu.

Lợi ích nhóm?


Ai đó nói rằng các nhà đầu tư ngoại sẽ đưa đến Việt Nam công nghệ hiện đại, kiểm soát được ô nhiễm môi trường nhưng thử hỏi, họ có đảm bảo được rằng đó là công nghệ hiện đại? Không loại trừ trường hợp nhà đầu tư tháo nhà máy lọc dầu cũ, bôi dầu mỡ làm bóng lại rồi đưa sang Việt Nam.

Hiện nay, các nhà máy cứ nói dây chuyền hiện đại, công nghệ cao nhưng có dám khẳng định không có hàng Trung Quốc?

Hãy nhìn các nhà máy điện, đạm của Việt Nam. Dù có dứt khoát nói không với thiết bị Trung Quốc nhưng trong quá trình triển khai, hầu hết máy móc lại xuất xứ từ Trung Quốc bởi giá rẻ hơn rất nhiều.

Nhân đây xin nhắc lại câu chuyện trong đấu  thầu mua sắm thiết bị các dự án khủng, tài liệu rất dày, đầu bài kỹ thuật rất chi tiết…, tất cả đều bằng tiếng Anh và Việt Nam đều phải thuê tư vấn nước ngoài. Người ta chỉ cần gài vài ba chỗ là chúng ta không thể phát hiện ra được. Họ có thể bảo: thiết bị có xuất xứ từ G7, bằng chứng nhận của G7 hay đạt tiêu chuẩn G7… và khi đấu thầu thì họ thắng thầu với giá rẻ và thiết bị Trung Quốc!

Thiết bị như thế đương nhiên sẽ ô nhiễm môi trường. Việt Nam tập trung công nghệ kỹ thuật cho nhà máy lọc dầu Dung Quất như thế nhưng thử hỏi đã bị xì bao nhiêu lần? Tất nhiên đó là chuyện bình thường, khó tránh của công nghệ nhưng nếu là thiết bị kém chất lượng thì sẽ ra sao? Dung Quất bình thường nhìn “sạch bong”, cây cối xung quanh xanh tươi, ai bảo ô nhiễm môi trường? Vài năm trở lại đây, Dung Quất liên tiếp xảy ra sự cố tràn dầu, ô nhiễm môi trường chính là từ những sự cố đó.

Việt Nam thiếu tiền, thiếu nguyên liệu nên khi các nhà đầu tư ngoại vào mang theo vốn đầu tư cực lớn, đương nhiên là hoan nghênh. Nhưng đổi lại, Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào nước ngoài về nguyên liệu và công nghệ. Các dự án nhà máy lọc dầu lớn mỗi lần sửa chữa bảo dưỡng không dưới hàng chục, hàng trăm triệu USD, phần lớn các thiết bị phải nhập khẩu bởi Việt Nam không sản xuất được cái gì. Lẽ ra khi đầu tư phát triển đầu tàu kinh tế Việt Nam phải đầu tư các nhà máy chế tạo phụ tùng, sửa chữa, bảo dưỡng nhưng chúng ta đã không làm việc đó.

Những cái mất mát lớn lao ấy liệu các nhà quản lý có nhìn thấy? Xin thưa, họ nhìn thấy hết! Bao năm nay Việt Nam cứ nói các ngành kinh tế đầu tư phân tán, muốn hiệu quả phải đầu tư tập trung, làm từng việc một, có bài bản từng bước. Nhưng khi đi vào xử lý thì lợi ích nhóm, lợi ích nhiệm kỳ lớn quá đến mức người ta bỏ qua tất cả những cảnh báo, những hậu quả mà Việt Nam sẽ phải chịu về lâu dài.

Đó là đứng ở phía các nhà quản lý, nhìn thấy rõ những cái hại của nhà máy lọc hóa dầu nhưng vẫn cứ cho phát triển ồ ạt. Còn về phía các nhà đầu tư ngoại, tại sao cứ nhảy vào Việt Nam? Cứ cho là bán cho Việt Nam rồi phục vụ xuất khẩu. Nhưng công suất các nhà máy lọc dầu ở khu vực đang thừa. Đối với nhà kinh doanh, hễ ở đâu có lợi nhuận thì nhảy vào. Hiệu quả kinh tế từ lọc hóa dầu không cao, vậy lợi nhuận của họ có được từ đâu? Đó là từ chính sách của Việt Nam, Việt Nam có chính sách ưu đãi để cho nhà đầu tư có lãi, vậy nên chẳng tội gì họ không đầu tư vào.

Tôi không phản đối công nghiệp hóa phải từng bước, có giai đoạn và phải trả giá nhưng không phải trả giá quá đắt như thế này. Đáng lẽ phải làm lần lượt từng dự án lọc hóa dầu, có bài bản, quy hoạch, khi thấy đủ thì dừng chứ không phải ồ ạt. Việt Nam có rất nhiều sức mạnh khác để phát triển, tại sao lại biến đất nước này thành bãi rác của thứ nguy hiểm này?

Đứng ở góc độ kinh tế, cái duy nhất Việt Nam nhận được từ các dự án lọc dầu là nó trở thành đầu tàu phát triển các lĩnh vực khác, tạo công ăn việc làm ở vùng và khu vực. Nhưng như vậy không phải chỗ nào cũng có đầu tàu.

Việt Nam chấp nhận hy sinh để phát triển kinh tế nhưng cái giá phải trả quá lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư khai thác hết các ưu đãi rồi rút đi? Hậu quả khi đó người dân sẽ phải gánh chịu.

Thành Luân - báo ĐV (ghi)