Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

"Bội thực" dự án lọc dầu: Việt Nam chẳng mất gì?

(09:11:51 AM 06/10/2014)
(Tin Môi Trường) - Theo ông Trần Viết Ngãi, với sự phát triển mạnh mẽ của các dự án lọc hóa dầu, Việt Nam chẳng mất gì trong khi cái được là rất lớn.

"Bội thực " dự án lọc dầu: Việt Nam chẳng mất gì?
Ngành lọc hóa dầu đang phát triển mạnh ở Việt Nam với sự đổ bộ của các nhà đầu tư ngoại

 

Việt Nam chẳng mất gì?

Lý giải việc các nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào các dự án lọc hóa dầu Việt Nam, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cái các nhà đầu tư hướng tới chính là lợi nhuận, không chỉ từ lọc dầu (xăng, dầu) mà là chuỗi sản phẩm hóa dầu với nhựa đường, hạt polyme, các loại sợi... Phát triển các nhà máy lọc hóa dầu không chỉ cung cấp xăng dầu cho nội địa mà quan trọng hơn là xuất khẩu.

"Các sản phẩm lọc hóa dầu rất đắt đỏ, chính vì vậy phần lớn các nhà máy đều hướng tới xuất khẩu", ông Ngãi nói.

Việt Nam lại có vị trí địa chính trị quan trọng, an ninh ổn định, nguồn nhân lực lao động dồi dào, Chính phủ có nhiều chính sách ưu đãi dành cho các nhà đầu tư ngoại như cung cấp đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư, làm đường, ưu đãi về thuế… Đặc biệt, Việt Nam có rất nhiều cảng nước sâu (Nhơn Hội, Vũng Rô, Nghi Sơn, Dung Quất...), điều không phải nước nào cũng có được.

Theo ông Ngãi, khi thu hút các nhà đầu tư ngoại vào các dự án lọc dầu, Việt Nam chỉ có được mà chẳng mất gì.

"Lọc dầu Dung Quất hàng năm đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu xăng dầu trong nước, còn lại chúng ta phải nhập khẩu. Thêm các nhà máy sẽ thỏa mãn đầy đủ nhu cầu nội địa, không phải nhập khẩu xăng dầu nữa. Hiện giá xăng trong nước vẫn phụ thuộc vào giá xăng thế giới. Một khi có thừa, giá xăng dầu sẽ giảm đi nhiều và không còn chịu tác động của giá thế giới nữa.

Tương tự, các sản phẩm khác cũng vậy, nếu Việt Nam cần thì các nhà máy sẽ đáp ứng đầy đủ, nhất là nhựa đường. Việt Nam chưa sản xuất được mẩu nhựa đường nào, hàng năm phải nhập khẩu từ Trung Quốc, chất lượng cũng không cao. Đó là lý do vì sao đường của Việt Nam nhựa thì ít mà cát, sỏi, đá thì nhiều, rất nhanh xuống cấp. Phát triển các nhà máy lọc hóa dầu sẽ giải quyết được vấn đề này. Lợi là lợi cho người dân".

Đây là cái lợi đầu tiên Việt Nam được hưởng từ chuỗi sản phẩm lọc hóa dầu. Việt Nam sẽ có được ngành công nghiệp lọc hóa dầu hiện đại, giữ vị trí mũi nhọn trong nền công nghiệp Việt Nam và được đầu tư lâu dài. Mặt khác, Việt Nam sử dụng được tài nguyên, lao động của mình. Ông Ngãi bác bỏ lo ngại các nhà đầu tư ngoại sẽ đưa lao động của họ sang giống như các dự án bauxite Tây Nguyên.

"Họ chỉ đưa sang các chuyên gia, còn sẽ sử dụng công nhân, kỹ sư Việt Nam, hàng vạn người sẽ có công ăn việc làm. Tôi được biết, các dự án lọc hóa dầu đã cử người đi đào tạo tại các nước có công nghệ lọc hóa dầu phát triển rồi", ông Ngãi lạc quan.

Cũng theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ có được khoản thu lớn từ thuế của các doanh nghiệp ngoại. Ông Trần Viết Ngãi kỳ vọng, doanh thu của các doanh nghiệp ngoại hàng năm tới hàng chục tỷ đô, do đó thuế nộp cho ngân sách nhà nước sẽ rất lớn.

Trước lo ngại lọc hóa dầu có thể đi vào "vết xe đổ" của thép, xi măng vốn đang trong tình trạng cung vượt quá cầu, ông Ngãi cho rằng không thể so sánh như vậy bởi lợi nhuận từ lọc hóa dầu là cực lớn, các sản phẩm của ngành công nghiệp này rất đắt đỏ, chứ không rẻ như thép, xi măng. Hơn nữa, các nhà đầu tư ngoại khi đầu tư vào lọc hóa dầu Việt Nam đã tính sẵn đầu ra, xuất đi đâu, ai mua, do đó không lo không có thị trường.

"Phát triển lọc hóa dầu Việt Nam chỉ có được, chẳng mất gì. Có chăng chỉ có hại một chút là phát thải khí CO2 và lưu huỳnh, tuy nhiên hàm lượng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Hơn nữa, cái này nằm trong chu trình khép kín của một công nghệ hiện đại, chắc chắn các nhà đầu tư đã tính toán giảm thiểu ô nhiễm. Bởi thế, tác động môi trường của lọc hóa dầu là không nhiều", ông Ngãi nói.

Mừng thì có mừng, nhưng...

Không quá lạc quan như Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các nhà đầu tư ngoại đổ bộ vào các dự án lọc hóa dầu Việt Nam là để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, đất đai của Việt Nam cũng như cơ hội để xây dựng nhà máy của một ngành công nghiệp rất dễ gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, họ tận dụng được vị trí chiến lược của Việt Nam, có thể dễ dàng xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...

"Mừng thì có mừng khi Việt Nam thu hút được đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần phân biệt những nhà đầu tư không chuyên nghiệp, hoạt động có tính chất đầu cơ, họ chỉ đầu tư trên danh nghĩa, sau đó nhượng lại cho nhà đầu tư khác có chuyên môn hơn hay lại không có kinh nghiệm về lọc hóa dầu. Cần làm rõ điều này để tránh rắc rối về sau khi vận hành".

Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, dù thu hút được đầu tư, tạo thêm được công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam, tuy nhiên thu ngân sách từ lọc hóa dầu từ trước đến nay không được nhiều.

Cụ thể, các doanh nghiệp ngoại đầu tư vào lọc hóa dầu được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu dầu thô; giảm thuế xuất khẩu các mặt hàng lọc hóa dầu, tiền sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ hạ tầng…

Chính vì thế, ông Doanh cho rằng, ngoài việc thu được chút ít thuế giá trị gia tăng thuế gián thu thì các khoản thuế trực thu thu doanh nghiệp nước ngoài là không đáng kể.

Đặc biệt, TS Lê Đăng Doanh lưu ý, nếu kiểm soát không tốt, có thể đẩy ô nhiễm môi trường về Việt Nam.

Thành Luân- báo ĐV