Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Phát hành Báo cáo Hành tinh sống 2014
Ảnh: WWF
Theo báo cáo, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn.
Báo cáo Hành tinh sống 2014 cũng cho thấy “Dấu chân Sinh thái” – chỉ số về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên – tiếp tục tăng cao. Có thể nói, mất đa dạng sinh học và dấu chân sinh thái không bền vững đang đe dọa các hệ thống tự nhiên cũng như sự sống của loài người, nhưng đồng thời cũng định hướng hành động cho chúng ta để đảo chiều những xu hướng hiện thời.
Đa dạng sinh học là một phần trọng yếu của hệ thống duy trì sự sống trên Trái Đất – và là thước đo tác động của con người tới hành tinh, ngôi nhà duy nhất của loài người. Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ trên toàn cầu trong mọi lĩnh vực xã hội để xây dựng một tương lai bền vững hơn,” Ông Marco Lambertini – Tổng Giám đốc WWF Quốc tế cho biết.
Những mối đe doạ toàn cầu lớn nhất được ghi nhận đối với đa dạng sinh học đó là suy thoái và mất sinh cảnh, đánh bắt thuỷ sản thiếu bền vững, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Trong hàng ngàn loài được theo dõi trong báo cáo, quần thể của chúng suy giảm 56% tại các khu vực nhiệt đới, trong khi đó con số này là 36% tại các vùng ôn đới.
Trong khi đa dạng sinh học suy giảm, dân số và tỉ lệ tiêu thụ trên đầu người tại châu Á lại gia tăng khiến cho Dấu chân Sinh thái của khu vực vì thế cũng gia tăng. Trên thế giới, nhu cầu của con người vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần 1.5 Trái Đất để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu cần thiết nhằm đáp ứng Dấu chân Sinh thái hiện tại. Dấu chân sinh thái trung bình của một người dân Việt Nam dường như chưa quá cao so với các nước phát triển (Theo Báo cáo, nếu sống như lối sống hiện tại trung bình của người dân Việt Nam, con người sẽ cần 0.9 Trái Đất để đảm bảo nhu cầu về tài nguyên của mình). Tuy nhiên, dấu chân sinh thái của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ 1,0 gha/đầu người năm 2000 tới 1,4 gha/đầu người năm 2012 và 1,62 gha/đầu người năm 2014. (Gha là chỉ số đo lường dấu chân sinh thái). Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên nếu không có những giải pháp thích hợp.
Báo cáo Hành tinh sống 2014 được phát hành trong bối cảnh đại đa số dân số trên thế giới tập trung tại các thành phố. Các khu vực đô thị trên thế giới thải ra 70% lượng các-bon liên quan tới sử dụng năng lượng, nhưng đồng thời các khu vực này cũng có khả năng trở thành những trung tâm sản xuất năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Gỡ bỏ mối quan hệ giữa dấu chân sinh thái và phát triển là ưu tiên hàng đầu được nêu ra trong Hành tinh sống 2014. Nghiên cứu trong báo cáo chỉ ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao chất lượng cuộc sống nhưng vẫn hạn chế được nguồn tài nguyên sử dụng.
Hành tinh sống 2014 là phiên bản thứ mười của báo cáo quan trọng được phát hành hai năm một lần của WWF. Thông qua Chỉ số Hành tinh sống – một cơ sở dữ liệu được quản lý bởi Hiệp hội Động vật học London – báo cáo đã phản ánh tình trạng của hơn 10.000 loài động vật có xương sống từ năm 1970 tới 2010. Những chỉ số của Dấu chân Sinh thái được cung cấp bởi Mạng lưới Dấu chân Sinh thái Toàn cầu.
Một phương pháp mới trong việc đưa ra các Chỉ số Hành tinh sống đã được sử dụng để theo dõi đa dạng sinh học toàn cầu khiến cho các chỉ số trong báo cáo năm nay chính xác hơn và đưa ra được một bức tranh rõ nét hơn về tình trạng sức khỏe của môi trường tự nhiên. Với những kết luận về tình trạng suy giảm các loài trên thế giới, báo cáo có thể coi là cơ sở để các chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự thực hiện các cuộc đối thoại, đưa ra quyết định và hành động tại thời điểm quan trọng đối với hành tinh này.
Báo cáo có chương “Tầm nhìn Một hành tinh” trong đó đưa ra những chiến lược để bảo tồn, sản xuất và tiêu thụ một cách thông minh hơn. Tầm nhìn cũng ghi nhận những ví dụ điển hình của các cộng đồng châu Á đang thực hiện để giảm Dấu chân Sinh thái và phục hồi những mất mát đa dạng sinh học.
“Thiên nhiên mang những yếu tố sống còn, đồng thời cũng là nền tảng cho sự thịnh vượng của loài người. Quan trọng hơn, đó là nơi tất cả chúng ta chung sống. Tất cả chúng ta đều cần thức ăn, nước uống và không khí sạch - dù ở nơi bất cứ nào trên thế giới. Tại thời điểm có quá nhiều người phải sống trong nghèo đói, việc cùng nhau tìm ra những giải pháp hiệu quả cho tất cả mọi người là vô cùng cần thiết”, theo ông Lambertini.
Báo cáo cho biết, tại Thượng Hải, Trung Quốc, chính phủ đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ việc lắp các thiết bị năng lượng mặt trời trên các mái nhà dân sinh và doanh nghiệp. Thành phố cũng đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp đô thị. Hiện tại, hơn 55% rau xanh của thành phố được sản xuất tại địa phương, giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo việc làm và giảm áp lực lên hệ sinh thái tự nhiên.
Việc sử dụng năng lượng hoá thạch được xác định là yếu tố chính đóng góp vào Dấu chân Sinh thái toàn cầu đối với một triệu công dân thành phố Seoul, Hàn Quốc. Theo sáng kiến “Ngày không lái xe” của thành phố họ sẽ không lái xe ô tô một ngày trong tuần. Chương trình nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng không khí và giảm tắc nghẽn giao thông.
Sendai, Nhật Bản đang mở đường cho việc xây dựng các quy định mua sắm xanh bằng cách hơn 90% sản phẩm được mua từ danh sách gợi ý về các sản phẩm xanh. Thành phố cũng thành lập một mạng lưới mua sắm xanh với hàng ngàn tổ chức công, tư nhân và các tổ chức tình nguyện tham gia.
Tìm ra những giải pháp sáng tạo đối với những vấn đề môi trường tự nhiên không hề dễ, nhưng các thành phố châu Á đã và đang chứng minh rằng điều này hoàn toàn khả thi. “Tầm nhìn một Hành tinh” của WWF cho thấy châu Á và tất cả mọi nơi trên thế giới đều có thể duy trì dấu chân sinh thái ở mức không vượt quá khả năng tái tạo của Trái Đất. Bằng cách đi theo chương trình của WWF cho một hành tinh, chúng ta có thể bắt đầu đảo ngược lại những xu hướng chỉ ra trong Báo cáo Hành tinh sống 2014.