Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Hành tinh sống 2014 là phiên bản thứ mười của báo cáo quan trọng được phát hành hai năm một lần của WWF. Với chủ đề về Loài và Không gian, Con người và nơi chốn, báo cáo đưa ra tóm tắt về tình trạng của hệ thống tự nhiên trên trái đất thông qua việc đo lường quần thể các loài hoang dã và dấu chân của con người.
Ảnh: IE
Phát hiện quan trọng nhất của báo cáo Hành tinh sống 2014 đó là sự suy giảm nghiêm trọng của các quần thể các loài hoang dã trong khi đó dấu chân sinh thái tiếp tục gia tăng. Kết quả nhu cầu ngày càng tăng, do dân số toàn cầu ngày càng lớn, đang đè năng lên nguồn tài nguyên thiên ngày càng ít ỏi. Tuy nhiên, tại chính thời điểm mà sức khỏe hành tinh có chiều hướng đi xuống, vẫn có cơ hội để đảo ngược xu hướng này thông qua những hành động tích cực từ phía chính phủ, doanh nghiệp, cá nhân cũng như xã hội. Thách thức lớn nhất được đề cập trong báo cáo đó là gỡ bỏ mối quan hệ giữa sự gia tăng phát triển loài người và những nhu cầu không bền vững của sự phát triển này đối với các hệ thống tự nhiên.
Báo cáo hành tinh sống 2014 cũng đưa ra những phương pháp mới nhất trong việc cung cấp những nghiên cứu hoàn chỉnh về quần thể các loài hoang dã quan trọng trên trái đất. Phương pháp mới này cũng cho ra những bức ảnh tốt hơn về môi trường tự nhiên của chúng ta – và vì thế cho chúng ta thấy tình trạng tồi tệ hơn rất nhiều của hệ thống tự nhiên của Trái đất so với những báo cáo trước đây. Những kết quả nghiên cứu cũng tập trung hơn vào các giải pháp khả thi và chỉ cho chúng ta thấy những hành động có thể đảo ngược xu hướng hiện nay.
Tình trạng đa dạng sinh thái trên thế giới đang xấu hơn bao giờ hết. Chỉ số Hành tinh sống, chỉ số về quần thể của hơn 10.000 loài hoang dã cho thấy một sự sụt giảm 52% kể từ 1970 đến 2010. Nói cách khác, số lượng các loài động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư và cá trên toàn cầu chỉ còn khoảng một nửa so với 40 năm trước. Đây được coi là sự giảm sút lớn nhất từ trước tới nay. Sự chênh lệch này là kết quả của việc áp dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại hơn – cho phép nghiên cứu đa dạng sinh học của trái đất ở phạm vi rộng hơn.
Quần thể các loài hoang dã suy giảm tại khắp các khu vực trên trái đất, nhưng xảy ra nhiều nhất tại các vùng nhiệt đới. Châu Mỹ Latin là khu vực có sự suy giảm nặng nề nhất: 83%. Sự suy giảm và mất môi trường sống đe dọa nghiêm trọng đến số lượng các quần thể. Khai thác thông qua săn bắt và đánh bắt cá một cách cố ý để lấy lương thực hoặc phục vụ cho các hoạt động thể thao, hoặc vô tình đánh bắt cũng là những nguy cơ lớn. Biến đổi khí hậu là mối đe doạ phổ biến tiếp theo có khả năng gây thêm áp lực cho các quần thể trong tương lai. Các loài nước ngọt đang phải đối mặt với những ảnh hưởng khắc nghiệt nhất khi mà sự suy giảm trung bình lên tới 76%. Sinh vật biển giảm 39% từ 1970 đến 2010. Các loài trên cạn cũng giảm 39% trong cùng kì báo cáo.
Dấu chân sinh thái Dấu chân sinh thái của loài người tiếp tục tăng. Dấu chân sinh thái là thước đo những nhu cầu của con người đối với thiên nhiên. Báo cáo hành tinh sống năm 2014 đã chỉ ra rằng nhu cầu tiêu thụ của con người đang vượt quá khả năng tái tạo nguồn tài nguyên và hấp thụ CO2 của trái đất khoảng 50%. Hiện nay, thế giới cần khoảng 1.5 Trái đất để có thể cung cấp các dịch vụ sinh thái mà chúng ta sử dụng mỗi năm. Sự vượt quá giới hạn này, hiện nay, có thể do con người chặt cây với tốc độ nhanh hơn tốc độ trưởng thành của chúng, khai thác nhiều cá nhiều hơn những gì đại dương có thể bổ sung lại, và thải ra lượng carbon nhiều hơn khả năng hấp thụ của rừng và đại dương. Khả năng tái tạo của thiên nhiên không còn đủ cho tổng nhu cầu của con người. Hệ quả của tình trạng này là sự thu nhỏ nguồn tài nguyên thiên nhiên, tích lũy rác thải nhanh hơn tốc độ chúng được hấp thụ hoặc tái chế , kết quả là lượng các-bon tích tụ trong không khí ngày càng lớn.
Quốc gia nào có dấu chân lớn nhất?
Dấu chân sinh thái của các quốc gia có sự chênh lệch khổng lồ, đặc biệt do có sự chênh lệch lớn về phương diện kinh tế và sự phát triển. Những nước giàu có dấu chân sinh thái trung bình trên đầu người cao gấp 5 lần so với những nước có thu nhập thấp. Mười quốc gia có dấu chân sinh thái trên đầu người lớn nhất là: Kuwait, Quatar, Các tiểu vương quốc Ả rập, Đan Mạch, Bỉ, Trinidad, Tobago, Singapore, Mỹ, Bahrain và Thụy Điển.
Các nhu cầu không đồng đều, các hệ quả không đồng đều
Các nước có thu nhập thấp có dấu chân nhỏ nhất, nhưng lại chịu sự mất mát sinh thái lớn nhất. Hầu hết các quốc gia thu nhập cao vẫn duy trì dấu chân lớn hơn khả năng hệ sinh thái của hành tinh trong hơn 50 năm. Tại các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình, sự gia tăng dấu chân sinh thái trên đầu người thấp nhưng lại có sự suy giảm đa dạng sinh học lớn (58%), con số này tại các quốc gia có thu nhập trung bình là 18% và những quốc gia có thu nhập cao là 10%. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, các quốc gia có thu nhập cao có thể góp phần vào những mất mát đa dạng sinh học của các quốc gia có thu nhập thấp thông qua việc nhập khẩu các nguồn tài nguyên.
Dấu chân nước của Sản xuất quốc gia Sự khan hiếm nguồn nước là một vấn đề ngày càng trầm trọng do tăng trưởng dân số và khí hậu. Dấu chân nước của sản xuất quốc gia cho biết mức độ sử dụng nước cho mục đích gia dụng, công nghiệp và nông nghiệp của mỗi quốc gia, không phân biệt nơi tiêu thụ sản phẩm. Hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và cũng là hai quốc gia có lượng khí thải các-bon nhiều nhất, Trung Quốc và Mỹ cũng là hai trong những quốc gia sử dụng lượng nước lớn nhất cho việc sản xuất hàng hóa.
Hơn 200 lưu vực sông – nơi có 2.5 tỷ người sinh sống, đang phải trải qua tình trạng khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng mỗi năm. Đồng thời, việc các biến cố thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt và trầm trọng do biến đổi khí hậu có thể tác động đến thương mại lương thực toàn cầu. Năm quốc gia sử dụng nguồn nước lớn nhất cho sản xuất là: Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Brazil và Nga.
Con đường cho sự phát triển bền vững
Hiện nay, chưa một quốc gia nào có thể vừa phát triển thịnh vượng mà vẫn đảm bảo dấu chân bền vững trên toàn cầu, nhưng một số quốc gia đang đi đúng hướng. Một quốc gia muốn đạt được sự phát triển bền vững trên toàn cầu thì cần phải có dấu chân sinh thái trên đầu người nhỏ hơn sức tải sinh học bình quân đầu người của hành tinh trong khi vẫn duy trì một mức sống đầy đủ như được định nghĩa trong các thước đo toàn cầu. Con đường tiến triển của mỗi một quốc gia lại khác nhau. Dữ liệu trong báo cáo cho thấy một số quốc gia vẫn phát triển, đồng thời kiểm soát được một cách tương đối dấu chân mà họ để lại.
Mối quan hệ với khí hậu
Báo cáo Hành tinh sống 2014 được phát hành chỉ vài tháng sau khi một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc cho rằng biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của hành tinh. Tác động của biến đổi khí hậu được tìm thấy trong cả các số liệu về dấu chân và đa dạng sinh học trong báo cáo của WWF. Dấu chân các-bon từ việc đốt các nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn một nửa tổng Dấu chân sinh thái. Dấu chân các-bon đồng thời cũng là thành phần chủ yếu của dấu chân của hơn một nữa các quốc gia được báo cáo nghiên cứu. Biến đổi khí hậu cũng được ghi nhận là một mối đe dọa ngày càng tăng đối với quần thể các loài hoang dã. Nghiên cứu đã nhấn mạnh rằng nhiều loài trên cạn, nước ngọt và biển đã phải di chuyển phạm vi địa lý và thay đổi tập tính để thích ứng với biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng biến đổi khí hậu đang là nguyên nhân gây ra sự suy giảm và có thể là tuyệt chủng của các loài. Các cuộc đàm phán mang tính xây dựng trong vấn đề khí hậu quốc tế là một trong những cơ hội giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường tự nhiên.
Thực phẩm, nước và năng lượng
Với dân số thế giới dự đoán sẽ nhảy vọt lên hơn 9,5 tỷ người vào năm 2050, cung cấp đủ số lượng thực phẩm, nước và năng lượng cho tất cả mọi người là một viễn cảnh khó khăn. Biến đổi khí hậu và sự suy thoái hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên sẽ tiếp tục làm tình hình thêm trầm trọng. Trong khi các nước nghèo nhất vẫn là bộ phận dễ bị tổn thương nhất, thì các vấn đề về an ninh lương thực, nguồn nước và năng lượng ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hệ sinh thái và lương thực, nước cũng như năng lượng cho thấy rằng khi chúng ta nỗ lực để bảo đảm một khía cạnh thì những khía cạnh khác có thể dễ dàng trở nên mất ổn định – ví dụ như khi cố gắng để tăng năng suất nông nghiệp, nhu cầu về nước và năng lượng đầu vào sẽ phải tăng theo, và gây ảnh hưởng đến đa dạng sinh học cũng như các dịch vụ hệ sinh thái. Do đó, bảo vệ thiên nhiên và sử dụng các nguồn lực một cách trách nhiệm là điều kiện tiên quyết cho phát triển con người, và xây dựng một xã hội khoẻ mạnh và bền vững.
Các cơ hội cho những thay đổi tích cực
Sự suy giảm liên tục của đa dạng sinh học và tình trạng ngày càng tồi tệ của hệ sinh thái là hệ quả của những quyết định không tính đến nhu cầu của thế giới tự nhiên. Những chỉ số cho thấy chúng ta đã đi sai đường cũng có thể chỉ cho chúng ta thấy làm thế nào để đi đúng hướng. Thay đổi tiến trình và tìm ra những giải pháp thay thế sẽ không dễ dàng, nhưng không phải là không thể thực hiện được. Tại hội nghị Rio + 20 vào năm 2012, các chính phủ trên thế giới đã khẳng định cam kết của họ với "một tương lai bền vững trên mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường cho các thế hệ hiện tại và tương lai." Đây chính là những gì chúng ta cần phải làm.
Một loạt các cuộc họp quốc tế sắp tới nhằm đưa ra một thỏa thuận mới về khí hậu và chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015 sẽ đưa ra các cơ hội để đạt được mục tiêu chung này. Chương "Tầm nhìn một hành tinh" của WWF đưa ra khung làm việc để đạt được các mục tiêu chung. Chúng ta cần phải ngừng đầu tư vào những hoạt động gây ra các vấn đề môi trường và chuyển hướng vào các giải pháp. Chúng ta cũng cần có những lựa chọn hợp lý, mang tầm nhìn xa và bảo đảm an toàn cho hệ sinh thái về cách quản lý tài nguyên. Vốn tài nguyên thiên nhiên còn lại của chúng ta cần được gìn giữ thông qua bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái quan trọng và môi trường sống. Chúng ta cũng cần sản xuất tốt hơn và tiêu thụ một cách khôn ngoan hơn nếu muốn đảo ngược những xu hướng đã được chỉ ra trong Báo cáo Hành tinh sống năm 2014.