Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, nguyên nhân chính là do trong quá trình thực hiện dự án, đơn vị thi công phát hiện thấy có những phát sinh cần phải điều chỉnh lại dự án để xử lý triệt để hơn. Cụ thể: Sau khi đào đến độ sâu 1,6 m tại các điểm ô nhiễm nặng và trung bình thì kết quả phân tích các mẫu lại không thấy có ô nhiễm, còn tại khu vực ô nhiễm nhẹ thì mẫu phân tích lại cho thấy kết quả là ô nhiễm nặng. Thêm vào đó là việc xử lý ô nhiễm áp dụng trong công trình đã được phê duyệt chưa đảm bảo yêu cầu đề ra.
Dự án xử lý và phục hồi môi trường do tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật tại thị xã Nghĩa Lộ được khởi công ngày 14/5/2014 do Sở Tài Nguyên và Môi trường Yên Bái làm chủ đầu tư, Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường - Bộ Tài Nguyên Môi trường là nhà thầu trực tiếp thi công để xử lý và phục hồi môi trường do tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật tại Bản Vệ, xã Nghĩa An và tổ 23 phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ. Tổng vốn đầu tư trên 14 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 50%, ngân sách đối ứng của tỉnh 50% lấy từ nguồn vốn Quỹ Bảo vệ môi trường và vốn ngân sách Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, đơn vị thi công sẽ tiến hành xử lý trên tổng diện tích gần 1.000 m2. Trong đó, tại Bản Vệ xã Nghĩa An có diện tích 590 m2, tại tổ 24 phường Pú Trạng trên 350 m2. Theo quy trình kỹ thuật về xử lý môi trường hoá chất độc hại, sau thời gian 3 tháng thi công sẽ hoàn thổ bàn giao lại mặt bằng cho người dân để tiếp tục xây dựng nhà cửa, an tâm sản xuất và sinh sống.
Hai điểm cần xử lý và phục hồi môi trường do tồn dư hoá chất bảo vệ thực vật tại thị xã Nghĩa Lộ trên chính là hai kho thuốc sâu trước đây có từ những năm 60 của thế kỷ trước, được chôn sâu trong lòng đất thị xã Nghĩa Lộ của tỉnh Nghĩa Lộ (cũ) ở Bản Vệ, xã Nghĩa An và tổ 23 phường Pú Trạng nhằm cung cấp cho các hợp tác xã nông nghiệp. Do thời kỳ đó không có nhà xây và nhà lạnh nên một số thuốc phải đào hầm để đảm bảo nhiệt độ cho thuốc không bị hỏng. Trong đó, có hai loại thuốc trừ sâu cực độc là 666 hay còn gọi DDT dạng sữa và dạng bột, Vôn-pha-tốc... Sau khi thực hiện khoán ruộng cho nông dân, các kho thuốc đó xuống cấp không được bảo quản rồi sụp đổ, người dân lấp đất làm nhà trên đó.
Theo báo cáo giám sát, đánh giá điều chỉnh Báo cáo Kinh tế - Kỹ thuật xây dựng công trình của Sở Tài nguyên Và Môi trường tỉnh Yên Bái thì đến nay, tại hai điểm xử lý, sau khi Công ty TNHH một thành viên Xây dựng và chuyển giao công nghệ môi trường - Bộ Tài Nguyên Môi trường mới chỉ đào được một một khối lượng nhỏ đất bề mặt tại hai điểm trên với giá trị thực hiện ước tính khoảng 450 triệu đồng rồi phủ bạt và chờ điều chỉnh dự án để thi công.
Theo quan sát của phóng viên, tại thôn Bản Vệ, đơn vị thi công đã xúc lên 3 đống đất có chiều cao chừng 1,8m với tổng khối lượng chừng 150 m3. Các đống đất này chỉ được che bằng bạt xác rắn đã rách nát. Tương tự tại tổ 23 phường Pú Trạng đơn vị thi công cũng chỉ xúc lên được chừng 200m3 đất đá chất thành đống và được che phủ một cách tạm bợ cũng bằng bạt đã rách nát.
Chị Lò Thị Biến có nhà nằm ngay cạnh đống đất ở thôn Bản Vệ xã Nghĩa An than thở: Giá như công ty đừng đào đất lên còn đỡ, đằng này đào lên rồi bỏ đấy thì người dân lại càng khổ hơn. Trước đây, khi chưa xúc đất lên thì vào lúc trở trời, mùi thuốc có bốc lên nhưng ít hơn. Kể từ khi công ty đào đất lên rồi đắp đống bỏ đấy đã hơn 3 tháng nay mà chẳng ai ngó ngàng gì tới, trong khi đó mùi thuốc sâu bốc từ đống đất lên nồng nặc hơn rất nhiều so với trước kia. Đặc biệt vào những ngày mưa to nước mưa và đất chảy tràn cả vào nhà dân với mùi thuốc sâu nồng nặc vì vậy mọi người đều rất bức xúc trước sự việc này.
Hiện nay, các đơn vị chức năng của sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái đang hối thúc đơn vị thi công đào rãnh nước xung quanh phần đất đã xúc lên để khắc phục tình trạng khi mưa to nước từ đống đất tràn vào nhà dân, đồng thời dùng hoá chất trộn vào phần đất bề mặt đã xúc lên để xử lý ô nhiễm và dùng bạt kín để phủ lên các đống đất này, trước khi được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt việc điều chỉnh lại dự án để thi công tiếp. Tuy nhiên, theo những người dân ở đây, việc đơn vị thi công thực hiện các yêu cầu của sở Tài nguyên môi trường tỉnh Yên Bái sẽ khó xảy ra, bởi họ đã liên tục kiến nghị lên Hội đồng Nhân dân thị xã Nghĩa Lộ nhiều tháng nay, lãnh đạo UBND thị xã cũng đã tới hiện trường lập biên bản và có công văn gửi lên sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái nhưng vẫn chẳng thấy động tĩnh gì.