Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Cụ thể, trong cả buổi sáng hôm nay, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình về các nội dung xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai của công dân; công tác quy hoạch sử dụng đất, tình hình sử dụng đất trồng lúa và chủ trương chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; biện pháp khắc phục tình trạng sử dụng đất lãng phí; trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường…
Mở màn phiên chất vấn, ĐB Nguyễn Minh Chiến (Bạc Liêu) cho rằng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai đã được Bộ ban hành khá kịp thời nhưng đến nay vẫn chưa có quy định về việc người được giao/cho thuê đất thực hiện ký quỹ để đảm bảo thực hiện dự án như thế nào. Tương tự, Luật Đất đai quy định Chính phủ ban hành định kỳ khung giá đất 5 năm 1 lần, địa phương căn cứ vào đó để xây dựng bảng giá của địa phương mình; nhưng “Bộ đã tham mưu Chính phủ chưa mà giờ này địa phương có để tính toán, ban hành cụ thể khung giá đất của địa phương mình”?
Trả lời ĐB Chiến, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc ký quỹ thực hiện dự án có liên quan đến pháp luật về đầu tư, do đó phải đợi Luật Đầu tư sửa đổi được thông qua để thống nhất quy định về ký quỹ. Về về hai của câu hỏi, ông Quang cũng thừa nhận, Bộ còn nợ 2 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và khung giá. Nhưng phải có nghị định về giá mới quy định được khung giá. “Chúng tôi sẽ trình Chính phủ trong tháng 9; từ tháng 1.2015 sẽ áp dụng khung giá đất mới. Dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được trình Chính phủ”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình.
Ngay tiếp đó, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập việc Hà Nội có nghị quyết 30 về việc thúc tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn hạn chế, khó đạt được mục tiêu hoàn thành việc này vào 2015 đã đề ra. Trong khi đó, người dân thì phản ánh tình trạng khá phổ biến về tiêu cực, tham nhũng, bôi trơn trong việc cấp sổ đỏ, nhất là tại các khu chung cư. “Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ. Quy trình làm sổ rất mập mờ vì không làm riêng lẻ từng hộ mà thực hiện 1 lượt với toàn bộ toà nhà, người nào chấp nhận chi tiền bôi trơn thì nhận được sổ, gia đình nào không chịu nộp thì tiếp tục… chờ”, ĐB Cương phản ánh và nêu vấn đề liệu có hay không đường dây chạy làm sổ đỏ?
Trả lời ĐB Cương, không trực tiếp giải đáp câu hỏi liệu có hay không đường dây chạy sổ đỏ, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang chỉ nêu đánh giá, việc cấp sổ đỏ chậm có nhiều nguyên nhân, không loại trừ tiêu cực. Trong đó có trách nhiệm của Văn phòng đăng ký đất đai tại các địa phương, nhất là tại đô thị. Với Hà Nội, tình hình cấp sổ đỏ tại các chung cư đúng là khá phức tạp; Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống để hướng dẫn pháp luật, phối hợp tìm giải pháp. Trong Bộ thủ tục hành chính về đất đai mà Bộ đã công bố cuối tháng 8 thì thủ tục đã được rút gọn rất nhiều, nhưng còn do người thực hiện trực tiếp có thực hiện đúng hay không lại là vấn đề khác...
Cắt ngang phần trả lời của Bộ trưởng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý hiện giờ đã là cuối tháng 9 rồi.
Sau đó, Bộ trưởng cũng xin “khất” câu trả lời trước câu hỏi khó của ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) khi bà An tiếp tục xoáy sâu vào vấn đề sổ đỏ khi cho biết, UBND Hà Nội đã báo cáo lên Bộ TNMT, những vấn đề vướng mắc trong cấp sổ đỏ ở chung cứ đã được giải quyết cơ bản. Vì thế, rõ ràng việc Bộ trưởng khẳng định có hiện tượng nhũng nhiễu là mâu thuẫn với nhận định trước đó của UBND TP Hà Nội.
Bên cạnh lĩnh vực đất đai, các vị ĐBQH cũng nêu nhiều chất vấn về hiệu quả quản lý, khai thác khoáng sản, đặc biệt là với cát sỏi lòng sông. Theo ĐB Đỗ Văn Đương - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đây là việc làm “rút ruột quốc gia, hủy hoại môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của nhân dân”.
Tiếc là với vấn đề khá nghiêm trọng này, cách trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang vẫn còn khá chung chung, chưa tỏ rõ sự quyết liệt, cứng rắn trong các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi.
Theo Báo cáo của Bộ TNMT về tình hình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), tính đến 31.12.2013, các địa phương đã cơ bản hoàn thành mục tiêu (đạt trên 85%) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội. Cả nước đã cấp được 41,6 triệu sổ với tổng diện tích 22,9 triệu ha, đạt 94,8% diện tích các loại đất đang sử dụng phải cấp; trong đó 5 loại đất chính của cả nước đã cấp được 40,7 triệu sổ với tổng diện tích 22,3 triệu ha, đạt 94,6% diện tích cần cấp và đạt 96,7% tổng số trường hợp sử dụng đất đủ điều kiện cấp