Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp đến nông nghiệp
Khu vực Đông Á là tuyến đầu chịu tác động
Bài viết được phát hành nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh biến đổi khí hậu Liên hợp quốc được tổ chức ngày 24/9 (giờ Việt Nam) tại New York, Mỹ.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cùng với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim và Tổng thống Philippines Benigno Aquino III đứng tên đồng tác giả trong bài viết nhan đề "Các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động ngay chống biến đổi khí hậu".
Bài viết được nhiều phương tiện thông tin đại chúng đăng tải với nội dung khẳng định khu vực Đông Á là tuyến đầu chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Hàng trăm triệu người trong khu vực sống ở các thành phố và vùng ven có đất thấp và đang đối mặt với rủi ro ngày càng cao do nước biển dâng, ngập lụt, xâm nhập mặn và khan hiếm nước.
Khu vực đang phải hứng chịu liên tiếp các sự kiện thời tiết khắc nghiệt những năm gần đây trong đó có những trận siêu bão và lũ lụt gây thương vong lớn.
Theo đó bài viết kêu gọi lãnh đạo khu vực phải làm nhiều hơn để giúp các cộng đồng dân cư kiên cường chống chọi với một tương lai thời tiết khắc nghiệt hơn. Điều này bao gồm việc đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng, các mạng lưới an toàn xã hội và bảo hiểm vi mô (microinsurance) cũng như các chương trình, dự án khác nhằm kết nối các cộng đồng với nhau.
Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn từ nước biển dâng, Việt Nam đang theo đuổi con đường tăng trưởng carbon thấp và nỗ lực tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng tái tạo cũng như các lựa chọn giao thông công cộng ở thành phố.
Theo đó các nghiên cứu đã chỉ ra nếu nước biển dâng 1m, tổn thất 10% GDP. Cụ thể nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Trong đó, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích; khoảng 10 - 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP...
Là một phần trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh, Việt Nam đặt mục tiêu giảm cường độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và những năm tiếp theo.
Cùng với các quốc gia chia sẻ lưu vực sông Mekong, Việt Nam đang quy tụ các nhà hoạch định chính sách và nhà khoa học cùng nhau tìm các giải pháp sáng tạo cho vấn đề nguồn nước và quản lý vùng duyên hải để bảo vệ các cộng đồng dân cư đang bị đe dọa ở lưu vực con sông này.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần sự hợp tác quốc tế nhiều hơn và ủng hộ các biện pháp đối phó hiệu quả với vấn đề biến đổi khí hậu.
Hiện một trong những giải pháp hết sức cấp thiết mà Việt Nam đang triển khai đó là nâng cao chất lượng rừng, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc bảo đảm khai thác hiệu quả các loại rừng để duy trì và nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, chống sa mạc hóa, xâm thực, suy thoái đất; tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước; phấn đấu đến 2020 nâng độ che phủ của rừng lên 45%.
Người dân phải chủ động ứng phó
Thế giới đang chứng kiến sự sụt giảm sản lượng lương thực, hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của Tổ chức hành động viện trợ ActionAid, một tổ chức xóa đói giảm nghèo, sản lượng nông nghiệp châu Phi dựa vào mưa có thể giảm 50% vào năm 2020. Tại Trung và Nam Phi, sản lượng này có thể sụt 30% vào năm 2050. Ấn Độ có thể mất 18% sản lượng ngũ cốc sinh trưởng nhờ nước tưới từ mưa.
Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu của Viện Chính sách chiến lược phát triển Nông nghiệp (IPSARD) chỉ ra, biến đổi khí hậu đang đe dọa trực tiếp đến Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con người và cả nền kinh tế.
Theo nghiên cứu của IPSARD hợp tác cùng ActionAid, đến năm 2100, Việt Nam mất ít nhất 12,2% diện tích đất (nơi cư trú của 23% dân số), nhiều khu vực sẽ bị ngập trong nhiều tháng.
Trên thực tế, thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ ra, thiệt hại do thiên tai, thảm họa trong năm 2007 chiếm 1% GDP của cả nước. Các biến đổi thất thường này đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
Theo giáo sư Nguyễn Trọng Hiệu, Trung tâm Khí tượng thủy văn và Môi trường, sự biến đổi khí hậu đang tác động đến việc sản xuất các cây lương thực. “Mặt tích cực ít ỏi của biến đổi làm tăng nhẹ năng suát cây lương thực trên các vĩ độ cao và trung bình trong khi mặt tiêu cực của nó làm giảm năng suất tại các vùng vĩ độ thấp, nhiệt đới gió mùa. Trong đó có Việt Nam”.
Tuy nhiên, trên các diễn đàn quốc tế mới chỉ đề cập tới các cam kết toàn cầu, toàn diện về thích ứng với thay đổi khí hậu. Phần lớn các tranh luận xung quanh vấn đề thích ứng với thay đổi khí hậu và làm thế nào để huy động các nguồn lực mới và các cơ chế để đầu tư.
Trước tình hình đó, người dân ở một số nước đang phát triển đang tự chuyển mình tìm hướng đối phó với sự biến đổi khí hậu. Tại Bangladesh, một số nông dân đang tăng cường khả năng chống đỡ của họ bằng việc thay đổi tập quán canh tác hay tôn cao ruộng rau.
Tại các khu vực khô cằn của Braxin, các hộ nông dân thực hiện gìn giữ nguồn nước và đa dạng hóa sản xuất mùa vụ. Ở Malauy, phụ nữ nông thôn đã tự huy động thành lập các câu lạc bộ nữ nông dân để cùng đối phó với vấn đề giảm sản lượng lương thực.
Riêng ở Việt Nam, qua khảo sát ở một số địa phương Viện IPSARD thống kê được một số biện pháp ứng phó của người nông dân với các hiện tượng thời tiết cực đoan: điều chỉnh hệ thống cây trồng, điều chỉnh thời vụ, nuôi lợn, gia cầm trên bè chuối, trên gác cao, di cư trâu bò khỏi vùng lụt, bịt miệng giếng khi nước lũ về…
Tuy nhiên, cách tự xoay sở được giới chuyên môn nhận định là mang lại hiệu quả ít và phải đối phó với độ rủi ro cao.
Theo PGS.TS Trần Thục, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường): Phải thực thi ngay các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong quy hoạch sử dụng đất phải tránh những vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đối với ngành nông nghiệp là ngành bị tác động nhiều nhất nên phải có quy hoạch cây trồng về mùa vụ để tránh bị tác động.
4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu
1. Đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
2. Nền kinh tế cácbon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững.
3. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các bên liên quan; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách...; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội.
4. Góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu...