Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam không ngăn chặn Lào xây dựng đập Don Sahong

(13:18:51 PM 26/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Chánh văn phòng Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam cho biết mục tiêu lên tiếng của Việt Nam không phải là ngăn chặn không cho Lào xây dựng đập Don Sahong

Việt Nam không ngăn chặn Lào xây dựng đập Don Sahong
Giới chuyên môn cho rằng đập Don Sahong được xây dựng cũng chưa được phía Lào đánh giá, dù thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng di chuyển của cá đến thượng nguồn cũng như hoạt động sinh sản của chúng.


Thông tin này được chính thức đưa ra tại hội thảo “Tham vấn về công trình thủy điện Don Sahong của Lào trên dòng chính sông Mê Kông” vừa tổ chức tại Cần Thơ.

Trong khi đó tờ TBKTSG dẫn lời ông Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên gia độc lập về môi trường cho rằng: báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, con người…, được phía Lào công bố và khẳng định việc xây đập thủy điện Don Sahong không ảnh hưởng vẫn còn quá nhiều lổ hổng.

Ông Thiện cho biết:  theo thông lệ các công ước và thỏa thuận quốc tế, trong trường hợp một quyết định có thể gây tổn hại lớn cho môi trường, con người…, thì phải áp dụng nguyên tắc “cẩn trọng”.

Tức là khi một hành động, chính sách nào đó bị nghi ngờ có rủi ro, gây hại đến con người, môi trường thì trách nhiệm chứng minh thuộc về bên đưa ra hành động, chính sách đó.

“Trong trường hợp cụ thể này, thì Lào là người phải chứng minh việc xây đập thủy điện Don Sahong sẽ không gây ảnh hưởng đến môi trường, con người ở những khu vực lân cận”, ông Thiện cho biết.

Thế nhưng trong báo cáo tác động môi trường phía Lào chỉ phân tích thủy văn trong 5 dòng chảy xung quanh đập Don Sahong và kết luận có 3 dòng chảy bị ảnh hưởng (gồm Hou Sahong, Hou Sadam và Hou Phapeng), trong khi vùng này có đến 17 dòng chảy.

“Tác động của chế độ chảy; sự thay đổi thủy văn ở bên dưới các dòng chảy sẽ có sự thay đổi nhưng vẫn chưa thấy Lào phân tích; báo cáo của họ cũng chưa nói gì đến tác động đến Campuchia và các tác động xuyên biên giới”, ông Thiện cho biết.

Ngoài ra, theo ông Thiện, tác động của việc thay đổi chế độ dòng chảy đối với cá di cư trong trường hợp đập Don Sahong được xây dựng cũng chưa được phía Lào đánh giá, dù thay đổi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khả năng di chuyển của cá đến thượng nguồn cũng như hoạt động sinh sản của chúng.

Theo các chuyên gia, nếu Lào vẫn tiếp tục xây đập Don Sahong thì những khu vực hạ lưu, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, ông Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy hội sông Mê Kông Việt Nam, cho biết mục tiêu lên tiếng của Việt Nam không phải là ngăn chặn không cho Lào xây dựng đập Don Sahong mà trước tiên đây là thông điệp gửi đến các Bộ, ngành trung ương và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

“Qua đó, giúp Lào có cái nhìn khác, đúng đắn hơn về những tác hại của việc xây đập thủy điện, chứ chúng ta không cực đoan là xây dựng sẽ ảnh hưởng đến cái này, cái kia”, ông Trung cho biết.

Trước đó trao đổi với Đất Việt, ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Việt Nam cho rằng, việc Lào xây dựng đập Don Sahong trên sông Mê Kông sẽ gây ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của dòng sông, gây ra cạn kiệt vào mua khô cho hạ du và gây ngập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.

Đập Don Sahong cũng nằm gần thác rất lớn là thác Khone là đường đi chính của các loài cá lớn từ cửa sông ngược lên phía Lào để sinh sản hàng năm.Cho nên nếu xây dựng đập Don Sahong ở đây sẽ làm thay đổi dòng chảy và hệ sinh thái ở khu vực này sẽ ảnh hưởng đến di trú của loài cá, hệ sinh thái sông Mê Kông nói chung và vùng hạ du nói riêng.

PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng Thư ký Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam cũng nói rằng: "Nếu Lào vẫn quyết tâm xây dựng đập Don Sahong sẽ cực kỳ nguy hiểm cho Việt Nam, nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long".

Đối với Việt Nam, sông Mê Kông có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cũng như an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có diện tích trên 40.000 km2 là nơi sinh sống của 20 triệu dân, hàng năm đóng góp đến 27% GDP cả nước với 90% lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất thủy sản của Việt Nam.

Phương Nguyên -báo ĐV (tổng hợp)