Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Giáo dục kiến thức bảo vệ môi trường biển cho học sinh trên đảo Cù Lao Chàm

(12:14:50 PM 26/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Đảo Cù Lao Chàm thuộc xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) là một trong những khu dự trữ sinh quyển lớn của thế giới đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận năm 2009. Những năm qua, cùng với các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và quảng bá những giá trị của khu dự trữ sinh quyển này, thành phố Hội An cũng đưa nội dung giáo dục kiến thức về bảo vệ môi trường biển trang bị cho học sinh trên đảo.


Ảnh minh hoạ IE


Nằm cách đất liền khoảng 20 km, đảo Cù Lao Chàm có 560 hộ dân với khoảng 3.000 người. Trên đảo có hai trường học gồm một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở với hơn 220 học sinh. Năm 2007, hai trường này đã đưa vào giảng dạy môn “Đa dạng sinh học và môi trường biển”, thời lượng giảng dạy là 12 tiết cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 6, với khối lượng kiến thức tăng dần qua các cấp học. Tài liệu học tập này do Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm biên soạn và được Phòng Giáo dục thành phố Hội An thông qua đưa vào giảng dạy.

Nội dung của tài liệu gồm 12 chủ đề về “Tầm quan trọng của biển và tài nguyên nước”; “Thông tin về khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm và lợi ích”; “Đa dạng sinh học và đa dạng sinh học biển”; “Chuỗi thức ăn”; “Rừng ngập mặn”; “Thảm cỏ biển”; “Rạn san hô”; “Các mối đe dọa đối với hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”; “Quy chế quản lý tạm thời khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm”; “Rác thải”; “Các hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản trong khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” và “Khám phá thiên nhiên”. Đây là một môn học tự chọn, được tính vào tổng điểm môn Sinh học của các em học sinh trên đảo do những giáo viên dạy Sinh học phụ trách.

Thầy giáo Nguyễn Như Tuấn, Hiệu phó Trường trung học cơ sở Quang Trung trên xã đảo cho biết: Khi môn học này được đưa vào giảng dạy ở trong trường đã nhận được nhiều sự quan tâm và hứng thú của các em học sinh. Những kiến thức trong môn học này đều được các thầy cô giáo bộ môn "mềm hóa" thông qua những trò chơi, những chuyến dã ngoại quanh đảo để các em có cái nhìn sinh động về thiên nhiên trên hòn đảo mình đang sống.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Thuận, Hiệu phó Trường tiểu học Tân Hiệp: Thực ra, các em hàng ngày đều tiếp xúc gần gũi với thiên nhiên nhưng thông qua môn học này giúp các em có được cái nhìn tổng quan và hiểu được đầy đủ vai trò, vị trí của từng loài trong hệ động thực vật phong phú trên đảo. Chẳng hạn các em sẽ nắm được kiến thức về quá trình sinh sống của loài chim yến quý hiếm; xác định được những khu vực nào trên đảo có những bãi cỏ biển, các rạn san hô, rong biển; các loài cá, giáp xác đặc trưng quanh đảo…

Đến thăm Cù Lao Chàm hôm nay, nhiều người đã quen thuộc với hình ảnh các em nhỏ chủ động đi nhặt rác ở ven đường và trên bãi biển để vào những nơi quy định, hay có thể tự tin giới thiệu cho du khách về sự đa dạng của các loài động thực vật đặc trưng ở trên đảo.

Em Ngô Gia Hân, học sinh lớp 7 Trường trung học cơ sở Quang Trung chia sẻ: “Chúng em rất tự hào khi được sống trong lòng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới và được khám phá, hiểu biết về môi trường sống của mình cũng như cách bảo vệ môi trường đó bằng những hành động nhỏ hàng ngày. Những kiến thức này được chúng em chia sẻ với cha mẹ mình và cả những vị khách du lịch khi ra thăm đảo dài ngày nghỉ lại ở nhà của chúng em”.

Theo bà Trần Thị Hồng Thúy, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời gian qua, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với các trường học trên đảo như tạo điều kiện về phương tiện tàu thuyền cũng như các thiết bị hiện đại để các em có thể quan sát các loài sinh vật dưới đáy biển; tổ chức các cuộc thi vẽ tranh, thi tìm hiểu về bảo tồn biển và những cuộc thi làm túi xách bằng vật liệu thân thiện với môi trường sử dụng hàng ngày để thay thế cho túi nilong. Trong thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn biển sẽ phối hợp với các trường học tập trung trang bị cho các em những kiến thức về bảo vệ loài rùa biển trên đảo đang bị xâm hại.

Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm có một hệ sinh thái rất đa dạng với hơn 311ha rạn san hô, khoảng 300 loài; 50ha thảm cỏ biển với 5 loài đặc trưng; 76 loài rong biển; hơn 270 loài cá; 97 loài thân mềm; 11 loài động vật da gai... Khu rừng đặc dụng Cù Lao Chàm có 499 loài thuộc 352 chi, 115 họ của 5/6 ngành thực vật bậc cao...Chính vì vậy, việc trang bị những kiến thức về bảo tồn biển cho các em học sinh trên đảo có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hình thành lên những lớp cư dân trên đảo biết trân trọng và sống hài hòa với thiên nhiên, qua đó góp phần vào việc bảo tồn và phát triển bền vững khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Đỗ Trưởng