Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Nguồn năng lượng nào mạnh nhất vũ trụ?

(09:22:53 AM 25/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Khi các ngôi sao lớn gấp 150 lần kích thước mặt trời của chúng ta phát nổ, chúng sản sinh ra các nguồn ánh sáng mạnh nhất trong vũ trụ và giải phóng lượng năng lượng khổng lồ chỉ trong vài giây, tương đương tổng số năng lượng mặt trời của chúng ta tạo ra trong toàn bộ cuộc đời kéo dài khoảng 10 tỉ năm của nó hay 10 triệu tỉ tỉ tỉ quả bom triệu tấn.

Hình ảnh "độc" về vụ nổ sao khủng trong vũ trụ
Vừa xảy ra vụ nổ thiên thạch mới ở Nga



siêu tân tinh, mạnh nhất vũ trụ, vụ nổ, bức xạ gamma


Các vụ nổ khủng khiếp như trên sản sinh ra các chùm bức xạ năng lượng cực lớn, gọi là sự bùng nổ tia gamma (GRB). Giới thiên văn học coi chúng là thứ mạnh nhất trong vũ trụ.

Các nhà khoa học từng bày tỏ hy vọng, con người không cô độc trong vũ trụ, nhưng nếu đó là sự thật, những sinh vật ngoài hành tinh khác đang ở đâu? Một lời giải thích khả dĩ là sự sống trong vũ trụ thực sự rất hiếm vì các vụ GRB đang "tiệt trùng" các thiên hà. Các vụ nổ này có thể đang tiêu diệt mọi cơ hội khám phá ra sự sống trên những hành tinh khác của chúng ta.

Theo lý giải của các chuyên gia, GRB là một vụ bùng nổ bức xạ ấn tượng, bao gồm các chùm bức xạ gamma thường kéo dài vài giây tới vài phút, nhưng cũng có thể kéo dài tới vài giờ đồng hồ.

Trên Trái đất, bức xạ gamma hình thành từ sự phân rã phóng xạ của các nguyên tố và vô cùng nguy hiểm đối với sự sống của các sinh vật. Trong khi đó, các chùm bức xạ gamma siêu mạnh trong vũ trụ ra đời từ dạng nổ sao khủng khiếp nhất: siêu siêu tân tinh (hypernovae), với năng lượng bằng năng lượng của hơn 100 siêu tân tinh (supernova). Khi xảy ra vụ nổ siêu siêu tân tinh, một lượng rất lớn bức xạ gamma độc hại được phát thải vào không gian với vận tốc cực nhanh.

Nếu hành tinh nào đó nằm trên đường đi của các chùm bức xạ GRB, hành tinh đó sẽ chứng kiến sự tuyệt chủng hàng loạt, nếu không muốn nói là hoàn toàn. Những sự cố như thế này có thể đang "tiệt trùng" vũ trụ. Nếu các hành tinh khác cũng có điểm giống Trái đất, chúng sẽ mất hàng tỉ năm tiến hóa mới đạt tới thời điểm sự sống trên hành tinh đủ thông minh và phát triển về kỹ thuật để chế tạo được các tàu vũ trụ có thể vượt ra ngoài hệ mặt trời của chúng và đi khám các hành tinh khác.

Các vụ bùng nổ tia gamma là nguồn sáng mạnh nhất trong vũ trụ và được con người phát hiện một cách ngẫu nhiên lần đầu tiên ở đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Cụ thể là, vào cuối những năm 1960, Mỹ đã triển khai hàng loạt vệ tinh quân sự nhằm giám sát không gian và tìm ra bất kỳ bằng chứng nào về bức xạ gamma còn sót lại từ hoạt động thử nghiệm hạt nhân của Liên Xô. Các vệ tinh Mỹ đã phát hiện ra bức xạ gamma, nhưng từ các nguồn cách Trái đất hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm ánh sáng.

Vì chúng rất sáng rõ, nên chúng ta có thể quan sát các vụ nổ GRB ở khoảng cách rất xa, từ mọi góc của vũ trụ. Giới thiên văn học trung bình đang phát hiện 1 vụ nổ GRB mỗi ngày, đồng nghĩa với 1 thiên hà đơn lẻ sẽ chứng kiến một vụ bùng nổ bức xạ gamma cứ mỗi 100.000 năm - 1 triệu năm, tương đối hiếm ngay cả với các tiêu chuẩn của vũ trụ.

Các chuyên gia cho biết, thiên hà của chúng ta - Dải Ngân hà - chưa bao giờ chứng kiến nổ GRB. Ứng viên nhiều tiềm năng nhất cho nổ GRB trong thiên hà của chúng ta hiện cách Trái đất khoảng 7.500 năm ánh sáng, khoảng cách đủ an toàn cho hành tinh chúng ta.

T.H (tổng hợp )