Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
1. Bảo Tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội)
Bảo Tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội)-Ảnh:TL
Bảo tàng Hồ Chí Minh tọa lạc ở khu vực quảng trường Ba Đình, ngay bên cạnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bảo tàng được khánh thành năm 1990, đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 100 của Người.
Tòa nhà có dáng một bông sen nở, cao 20, 5m, gồm 4 tầng lầu với tổng diện tích sử dụng là 10.000m2, phần trưng bày hiện vật rộng 4.000m2. Có tất cả 117.274 hiện vật gốc, hình ảnh phán ánh cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ cuối thế kỷ 19 đến nay.
Trong hơn 20 năm mở cửa đón khách tham quan, bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hàng triệu lượt du khách khắp mọi miền đất nước Việt Nam và bạn bè khắp năm châu bốn bể.
2. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội)
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Hà Nội) - Ảnh:TL
Bảo tàng lịch sử Việt Nam tại số 1 phố Tràng Tiền, Hà Nội (sau lưng Nhà hát thành phố) được thành lập năm 1958. Nơi đây lưu giữ và trưng bày nhiều bộ sưu tập, hiện vật quý của các thời kỳ lịch sử dân tộc Việt Nam.
Tòa nhà bảo tàng có kiến trúc đẹp, diện tích trưng bày hơn 2000m2. Tầng dưới trưng bày chủ đề Thời kỳ Tiền sử; Việt Nam thời dựng nước đến triều đại nhà Trần. Tầng 2: Thời nhà Hồ đến nhà Nguyễn và một phần Văn hóa Chăm.
Bảo tàng lưu giữ hơn 7.000 hiện vật khắc họa rõ nét quá trình lao động sáng tạo cũng như lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm để tồn tại của dân tộc Việt. Bảo tàng lịch sử Việt Nam là điểm thu hút du khách trong nước và quốc tế.
3. Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (Hà Nội)
Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam (Hà Nội) -Ảnh:TL
Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam tại số 36 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, được khánh thành năm 1995 trong một khuôn viên rộng rãi, rợp bóng cây hoa phượng vĩ.
Nơi này bảo quản, trưng bày các tài liệu, hiện vật giới thiệu vai trò và những thành tựu của phụ nữ Việt Nam trong quá trình phát triển của đất nước và của dân tộc. Diện tích trưng bày của bảo tàng là 1.200m2, với 5 chuyên đề: Phụ nữ Việt Nam trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ; Trang phục phụ nữ các dân tộc Việt Nam.
Bảo tàng phụ nữ Việt Nam có cách trưng bày, bố trí, sắp xếp tài liệu, hiện vật hợp lý nên hấp dẫn, thu hút số đông khách tham quan trong và ngoài nước.
4. Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)
Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội)- Ảnh: TL
Khánh thành tháng 11/1997, bảo tàng là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tư liệu mô tả phong tục văn hóa, đời sống, sinh hoạt của 54 dân tộc Việt, thuộc đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy.
Nằm trên khuôn viên 3ha, bảo tàng Dân tộc học trưng bày khoảng 10.000 hiện vật, 15.000 bức ảnh và các tư liệu khác về các dân tộc. Khu trừng bày gồm 9 phần, với cách sắp xếp khoa học, giúp người xem dễ cảm nhận nét đặc trưng văn hóa và giá trị truyền thống của từng dân tộc trên đất nước Việt Nam.
5. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (TT Huế)
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế (TT Huế) -Ảnh: TL
Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế là nơi trưng bày các bộ sưu tập đồ đồng, đồ sành, đồ sứ, đồ đá, đồ pháp lam, áo mão và đồ ngự dụng của vua chúa đời nhà Nguyễn. Toàn điện dùng làm bảo tàng là một tòa nhà bảy gian, hai chái, trùng thiềm điệp ốc, nguyên là điện Long An trong cung Bảo Định. Ngôi điện Long An là một công trình kiến trúc rất đẹp và quý. Trên một số mặt chi tiết gỗ có khắc chạm 35 bài văn, bài thơ, bài châm của vua Thiệu Trị sáng tác.
6. Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng)
Bảo tàng Điêu khắc Chămpa (Đà Nẵng) -Ảnh: TL
Bảo tàng Chămpa được thành lập từ năm 1915, trên một khu vực yên tĩnh ở đầu đường Trưng Nữ Vương và đường 2 Tháng 9, thành phố Đà Nẵng. Lúc đầu bảo tàng mang tên chuyên gia người Pháp – người đầu tiên phát hiện ra thánh địa Mỹ Sơn (Hăng-ri Pac-mang-chi-ê). Tòa nhà kiến trúc theo kiểu tháp Chàm. Đây là bộ sưu tập cuối cùng về văn hóa Chămpa trên thế giới. Bảo tàng trưng bày các hiện vật điêu khắc bắng đá và đất nung từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 15, được khai quật từ Quảng Bình đến Bình Định.
Từ ngoài đi vào, phía bên trái trưng bày các hiện vật tìm thấy ở thánh địa Mỹ Sơn. Phòng tiếp theo là cảnh sinh hoạt của người dân kinh thành Trà Kiệu, có tượng Phật, tượng Hộ pháp được tìm thấy ở Đông Dương.
Trên 450 hiện vật ở bảo tàng giúp cho du khách thấy được một giai đoạn lịch sử cực thịnh của vương quốc Chămpa.
7. Bảo tàng Hải Dương học (Nha Trang – Khánh Hòa)
Bảo tàng Hải Dương học (Nha Trang – Khánh Hòa) -Ảnh:TL
Được thành lập từ năm 1922, Bảo tàng Hải dương học nổi tiếng với tên gọi "Hồ cá Hải học viện Nha Trang”, là trung tâm nghiên cứu, phục vụ giáo dục, lưu giữ các di sản tự nhiên, văn hóa, khoa học liên quan đến biển... Tại dây có Bộ sưu tập sinh vật biển nhiệt đới lớn nhất khu vực với hơn 20.000 mẫu vật của 10.000 loài. Ấn tượng nhất là những bộ xương động vật khổng lồ quý hiếm như bộ xương cá Voi Lưng gù dài 18m, nặng 10 tấn, đã bị chôn vùi trong lòng đất cách đây hơn 200 năm; mẫu Mực bay khổng lồ nặng 120kg, dài 1,2m; Mẫu bộ xương Bò biển nặng 500kg, dài 2m và nhiều mẫu vật quý giá khác.
8. Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM)
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) -Ảnh:TL
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh được thành lập tháng 9 năm 1975, trên một khuôn viên khá rộng ở đường Võ Văn Tần, quận 3, TPHCM. Nơi đây trưng bày những chứng tích tội ác chiến tranh trong suốt hơn hai mươi năm xảy ra tại miền Nam Việt Nam. Từ những chủ đề: tội ác tàn sát nhân dân, rải chất độc hóa học, hình ảnh tù đày, tra tấn dã man, chiến tranh phá hoại miền Bắc... bằng các hiện vật như: xe tăng, máy bay, máy chém, đại bác, chuồng cọp (mô hình như chuồng cọp ở Côn Đảo). Ngoài ra còn có phòng trưng bày chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc.
Hơn ba mươi năm mở cửa đón khách tham quan, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã đón hàng triệu lượt người đến xem, trong đó lượng khách nước ngoài chiếm đa số, nhất là du khách Hoa Kỳ.
9. Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM)
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (TP.HCM) -Ảnh: TL
Tòa nhà này nguyên là dinh cơ của Nguyễn Ngọc Loan – giám đốc Tổng nha cảnh sát chế độ Ngụy quyền Sài Gòn cũ. Năm 1984 được nhà nước giao làm nhà truyền thống Phụ nữ Nam bộ. Sau đó được xây thêm tòa nhà 4 tầng và đổi thành Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ.
Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ có diện tích trưng bày khoảng 2.000m2 gồm 10 phòng trưng bày về truyền thống dựng nước và giữ nước của phụ nữa Nam bộ. Có một hội trường 800 chỗ ngồi, một phòng chiếu phim, một thư viện và một kho lưu giữa hàng chục ngàn hiện vật, tranh, ảnh quí hiếm.
10. Bảo tàng Mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh
Bảo tàng Mỹ thuật Thành Phố Hồ Chí Minh -Ảnh: TL
Bảo tàng Mỹ thuật nằm trên đường Phó Đức Chính, quận 1, là một dinh thự rộng lớn được kiến trúc sư người Pháp thiết kế theo phong cách Baroque rất được ưa chuộng thời bấy giờ.
Với bố cục chi tiết cụ thể, bảo tàng đem đến cho người tham quan sự tiện dụng tối đa. Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành một trong những trung tâm mỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 20.000 tác phẩm mỹ thuật và mỹ nghệ dân gian qua nhiều thời kỳ lịch sử.