Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Việt Nam và Nam Phi tăng cường hợp tác bảo tồn trước ngày Tê giác Thế giới

(21:56:33 PM 23/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Ngày Tê giác Thế giới, ngày 22 tháng 9, được tổ chức từ năm 2011 để thu hút sự chú ý toàn cầu đến nạn săn bắt trộm tê giác ở Nam Phi, trong đó có liên quan đến sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ bất hợp pháp sừng tê giác ở một số nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Đoàn đại biểu Nam Phi vừa kết thúc chuyến công tác tại Việt Nam trước ngày Tê giác Thế giới. Trong chuyến đi này, Đoàn đã tiến hành gặp gỡ và tham gia vào hội thảo chuyên đề về tăng cường hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ các vấn đề về Môi trường và Nước Nam Phi.  

 

Nhân dịp này, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (Bộ TN & MT) đã tổ chức hội thảo vào thứ Sáu (ngày 19/9/2014) về hiện trạng, những nỗ lực bảo vệ và thách thức trong việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã tại Việt Nam.  



Giáo sư Đặng Huy Huỳnh phát biểu tại Hội thảo

 

Mục đích của hội thảo nhằm thảo luận và trao đổi với Đoàn đại biểu Nam Phi các thông tin cụ thể liên quan đến các vấn đề quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam, đặc biệt là các yếu tố ảnh hưởng đến tiêu thụ và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam. Đây là một trong các hoạt động nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nam Phi theo biên bản ghi nhớ được ký kết vào tháng 12 năm 2012. Sau buổi làm việc, hai bên đã đi đến thống nhất trong việc triển khai kế hoạch phối hợp hành động chung liên quan đến biên bản ghi nhớ về tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và động vật hoang dã, và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế. Các đại biểu Việt Nam và Nam Phi đã học hỏi thêm nhiều sáng kiến quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, tìm hiểu sâu các nỗ lực mà hai Chính phủ đang triển khai trong việc ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.  

 

Chuyến công tác của đoàn Nam Phi là hoạt động tiếp nối chuyến đi tham quan học tập của Bộ TN&MT đến Nam Phi diễn ra vào tháng ba đầu năm nay trong khuôn khổ dự án “Tăng cường công tác bảo tồn đa dạng sinh học thông qua cải cách chính sách và thayđổi thực trạng tiêu thụ các loài động vật hoang dã ở Việt Nam” (gọi tắt là dự án WLC) do Quỹ Môi trường Toàn cầu tài trợ thông qua Ngân hàng thế giới.

 

Ông Nguyễn Thế Đồng, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Môi trường, Bộ TN & MT cho biết: "Thúc đẩy các nỗ lực hợp tác để chống buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã nói chung và sừng tê giác nói riêng là trọng tâm của các cuộc thảo luận, đặc biệt là những nỗ lực để làm giảm nhu cầu và kiểm soát việc buôn bán trái phép. Chuyến đi tham quan làm việc của đoàn Nam Phi lần này tạo ra cơ hội hợp tác, mang lại kết quả tốt hơn cho việc hợp tác song phương nhằm bảo tồn đa dạng sinh học trong tương lai".  

 

Để tổ chức ngày Tê giác thế giới, Tổng Cục Môi trường, Bộ TN & MT cũng phối hợp với Tổ chức Freeland và Trung tâm giáo dục thiên nhiên Việt Nam đã thực hiện các video clip tuyên ngắn với mục đích tuyên truyền nâng cao nhận thức về hậu quả của tiêu thụ sừng tê giác bất hợp pháp. Các video clip được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Châu Á hành động chống nạn buôn bán các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng – gọi tắt là ARREST” do USAID tài trợ mang thông điệp được viết bằng tiếng Anh vàtiếng Việt: "Ngăn chặn nạn tuyệt chủng: Không mua, buôn bán, tiêu thụ sừng tê giác", và sẽ được sử dụng rộng rãi trong các chiến dịch truyền thông và chia sẻ thông qua các trang mạng xã hội.  Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình ARREST, hiện nay Cục Bảo tồn đa dạng sinh học đã và đang tiến hành xây dựng, treo 800 bộ áp phích truyền tải thông điệp về bảo vệ động vật hoang dã và không tiêu thụ các sản phẩm từ các loài nguy cấp tại trụ sở các Bộ, ban, ngành và tổ chức trên địa bàn Tp. Hà Nội.  

 

Trước đó, dưới sự hỗ trợ của chương trình ARREST, các bộ áp phích và biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Lào mang thông điệp tương tự cũng đã được trao trong hai khóa đào tạo chống buôn lậu do Cơ quan phòng chống tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tổ chức tại tỉnh Quảng Trị và tỉnh Điện Biên. Hơn 50 cán bộ cảnh sát, hải quan và biên phòng đang làm việc dọc theo biên giới giữa Việt Nam và Lào đã tham gia khóa học này. Trong các khóa đào tạo thời gian tới của UNODC, các bộ áp phích và biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung sẽ được trao cho các tỉnh biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc.

NHẬT VIÊN (Tinmoitruong.vn)