Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
>>Danh mục 45 Top điểm đến hấp dẫn của Việt Nam
1. Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội)
Tọa lạc trên diện tích 54.331m2, Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội từ lâu được biết đến như Trường đại học đầu tiên của Việt Nam.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được lập vào thế kỷ XI, thời vua Lý Thánh Tông và vua Lý Nhân Tông với mục đích làm nơi học tập cho các hoàng tử và con em quan lại trong triều. Về sau, nơi này mở rộng cửa thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ đến trau dồi kinh sử. Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một quần thể di tích văn hóa - lịch sử đặc biệt mang nhiều ý nghĩa về nền học vấn lâu đời của người Việt Nam. Quần thể này gồm hai di tích: Văn Miếu và Quốc Tử Giám. Văn Miếu là nơi thờ Khổng Tử cùng các vị Tiên thánh, Tiên hiền của Nho học. Quốc Tử Giám - Thái Học viện thờ Tư nghiệp Chu Văn An và các vị vua: Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông là những người có công lớn trong sự hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Nằm trong hệ thống của Văn miếu Quốc tử giám, Khuê Văn Các được chọn làm biểu tượng của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. 82 Bia tiến sĩ tương ứng với 82 khoa thi được dựng, khắc tên 1304 tiến sĩ, đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu Thế giới.
2. Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên)
Văn Miếu Xích Đằng (Hưng Yên)- Ảnh: TL
Văn miếu Xính Đằng tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên là một di tích quan trọng trong quần thể di tích Phố Hiến. Văn miếu Xích Đằng được xây dừng từ thế kỷ 17, đến thời Minh Mạng (1832), văn miếu được trùng tu, tôn tạo như hiện nay.
Văn Miếu Xích Đằng thờ đức Khổng Tử và Chu Văn An là người thầy đầu tiên, tiêu biểu của Việt Nam. Mặt tiền Văn miếu quay về hướng nam, Nghi môn bề thế, dáng dấp như Văn miếu Hà Nội. Phía trong cổng là sân rộng, ở giữa là đường Thập đạo, hai bên sân có lầu chuông và lầu khánh cùng hai dãy nhà tả vu và hữu vu.
Hiện vật còn lưu giữ ở Văn miếu Xích Đằng là 9 tấm bia đá, trong đó 8 tấm được dựng năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và 1 tấm dựng thời Bảo Đại ghi danh các nhà khoa bảng ở Trấn Sơn Nam thượng ngày xưa (trong đó có tỉnh Hưng Yên, Thái Bình). Lễ hội Văn miếu nơi đây một năm diễn ra hai lần vào ngày 10/2 và ngày 10/8 âm lịch.
3. Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương)
Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương) -Ảnh: TL
Văn Miếu Mao Điền ở xã Cẩm Điền huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Xưa kia, Mao Điền là một trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh Hải Dương nên đến đời Gia Long năm 1807, Văn Miếu được xây dựng với bước đầu là Khải Thánh từ làm nơi thờ cha mẹ Khổng Tử, rồi gác Khuê văn và hai nhà Giải vũ với hai Lầu chuông, khánh đối xứng nhau. Đến đời vua Minh Mạng, Văn Miếu Mao Điền được đại tu để trở thành một công trình văn hóa lớn thời bấy giờ.
Trong quá trình tồn tại, Văn miếu Mao Điền từ vị trí là trường học của riêng trấn Hải Dương đã trở thành trường thi của cả vùng, góp phần giáo dục và đào tạo nhân tài cho địa phường và cho đất nước.
4. Văn Thánh Miếu (Thừa Thiên – Huế)
Văn Thánh Miếu (Thừa Thiên – Huế)- Ảnh: TL
Văn Thánh miếu Huế được khởi công xây dựng tháng 4-1808 đến tháng 9-1808 thì hoàn thành. Mặt tiền Văn miếu quay về hướng nam, trên một ngọn đồi thuộc xã Hương Long, thành phố Huế. Toàn bộ khuôn viên Văn Thánh miếu hình vuông cạnh là 160m, xung quanh có la thành bao bọc. Bên trong có chừng 50 công trình kiến trúc lớn, nhỏ. Điện thờ chính trong Văn thánh miếu là đức Khổng Tử và Tứ Phối, thập nhị triết.
Văn Thánh miếu Huế đã nhiều lần tu sửa qua các triều đại Minh Mạng, Thiệu Trị. Trước sân miếu có 2 nhà bia, bên phải có tấm bia khắc bài văn bia của vua Minh Mạng, dụ về việc: Thái giám không được liệt vào hạng quan lại. Bên trái là bài dụ của vua Thiệu Trị, nội dung bàn về vấn đề: Bà con bên ngoại của vua không được tham gia chính quyền.
Phía ngoài cổng Đại thành là hai dãy gồm 32 tấm bia, khắc tên 293 vị Tiến sĩ truyền Nguyễn bắt đầu từ khoa thi đầu tiên năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đến khoa thi cuối cùng 1919 được khắc tên họ, năm sinh, quê quán vào bia.
Văn Thánh miếu Huế là một di tích lịch sử vô cùng quý giá giúp chúng ta hiểu thêm về truyền thống hiếu học, chuộng nhân tài của đất nước Việt Nam.
5. Văn Miếu Trấn Biên (Biên Hòa – Đồng Nai)
Văn Miếu Trấn Biên (Biên Hòa – Đồng Nai)- Ảnh: TL
Văn Miếu Trấn Biên là một công trình văn hóa được xây dựng ở phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) đời chúa Nguyễn Phúc Chu (thế kỷ 17). Nơi đây, xưa kia là trung tâm đào tạo nhân tài xứ Đàng Trong. Văn Miếu Trấn Biến thể hiện truyền thống hiếu học, tôn trọng người có học của người Việt Nam xưa ở mảnh đất phương Nam trên bước đường khai phá. Năm 1861, khi thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Văn Miếu này đã bị tàn phá. Văn Miếu hiện nay là công trình mới được xây dựng lại theo kiểu dáng của Văn Miếu Hà Nội, gồm nhà thờ chính, tả vu hữu vu, sân hành lễ… thể hiện truyền thống tôn sư trọng đại, kính trọng hiền tài.
Hiện tại, văn miếu Trấn Biên còn có khi sinh hoạt truyền thống, nhằm trưng bày và ghi danh những đơn vị, cá nhân đạt được các danh hiệu cấp nhà nước ở trong tỉnh. Xuân Vinh (tháng 2 âl ) và Thu Vinh (tháng 8 âl ) là 2 sự kiện lớn ở Văn Miếu Trấn Biên.