Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
*Hoạt động có tổ chức, công khai, liều lĩnh
Tình trạng phá rừng ở khu vực giáp ranh hai tỉnh được khoanh vùng với địa bàn các huyện Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) và Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình (Bình Thuận). Đây là vùng có nhiều đồi núi cao, hiểm trở, hệ thực vật đa dạng với các loại gỗ quý hiếm như giáng hương, gõ, trắc, sao, căm xe, giổi… Trong đó, “nóng” nhất về khai thác lâm sản trái phép hiện nay là khu vực giáp ranh giữa xã Tam Bố (Di Linh) và xã Phan Sơn (Bắc Bình), chủ yếu thuộc lâm phần do Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp Tam Hiệp (Di Linh) quản lý.
Để khai thác gỗ trái phép, các đối tượng phá rừng thường tổ chức thành từng nhóm, theo đường mòn từ huyện Đức Trọng xâm nhập vào các tiểu khu có gỗ quý. Ngoài hoạt động có tổ chức, các nhóm này còn trang bị nhiều phương tiện chuyên dụng, có cả dao mã tấu và loại xe được cải tiến gọi là xe “độ” rất đặc biệt để chở gỗ ra khỏi rừng. Đây là loại xe giống với công nông đầu ngang nhưng có thêm dây tời, bánh xích để có thể vận chuyển gỗ trong rừng sâu, vượt đường dốc mà ngay cả xe của cán bộ kiểm lâm cũng chịu thua.
Các nhóm "lâm tặc" cũng ngày càng liều lĩnh, công khai và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Ông Nguyễn Văn Tập, kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh, cho biết, đã có lần lực lượng kiểm lâm phát hiện và thu giữ một xe cải tiến chở gỗ của "lâm tặc" tại tiểu khu 702 thuộc xã Tam Bố. Khi đoàn cơ quan chức năng đưa xe tang vật ra gần đến bìa rừng thì có khoảng 100 người; trong đó, có cả đối tượng “xã hội đen” đến ngăn chặn, giật súng của kiểm lâm và liều lĩnh cướp xe chở gỗ bỏ chạy.
Trong các chuyến kiểm tra của Công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp cũng nhiều lần gặp phải sự chống trả của "lâm tặc". Thậm chí chúng còn đe dọa, trả thù nhân viên công ty sau vài ngày thực hiện các đợt truy quét, tịch thu gỗ khai thác trái phép.
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc công ty Lâm nghiệp Tam Hiệp cho biết: Với những trường hợp thế này, đơn vị đã báo với công an địa phương để xử lý nhưng do không đủ chứng cứ nên chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng.
*Ngặn chặn chưa triệt để
Theo thống kê, trong những tháng đầu năm 2014, lực lượng chức năng tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện hàng chục đợt truy quét, tịch thu nhiều phương tiện, dụng cụ của "lâm tặc" và hàng chục khối gỗ lậu. Tuy nhiên, một thực tế là tình trạng phá rừng giáp ranh vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Những năm trước, tình trạng phá rừng tập trung chủ yếu tại khu vực xã Bảo Thuận, Gia Bắc (Di Linh) với xã Thuận Hòa (Hàm Thuận Bắc) nhưng sau khi lực lượng liên ngành huyện Di Linh tổ chức đặt hai chốt chặn tại quốc lộ 28, tình hình vận chuyển gỗ ở khu vực này giảm đáng kể.
Thế nhưng, sau đó các nhóm "lâm tặc" lại chuyển địa bàn hoạt động đến khu vực rừng giáp ranh giữa xã Tam Bố (Di Linh) và xã Phan Sơn (Bắc Bình) thuộc tiểu khu 678, 679, 701 và 702. Tại khu vực này, "lâm tặc" lợi dụng địa hình hiểm trở, dùng xe máy tự chế chở gỗ ra bìa rừng, thậm chí còn dùng cả xe “độ” có tời máy để kéo gỗ lớn đưa về điểm tập kết tại khu vực cầu Cháy (cách quốc lộ 20 khoảng 15km).
Ông Đinh Tiến Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Di Linh thừa nhận trước đây, các nhóm "lâm tặc" thường xuyên tập kết gỗ đưa về xã Ninh Loan của huyện Đức Trọng nhưng từ khi lực lượng kiểm lâm lập chốt chặn tại tiểu khu 701, họ lại mở đường khác tập kết gỗ về xã Phan Sơn của huyện Bắc Bình và tiếp tục chặt phá rừng.
Trước tình hình phức tạp tại khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh, chính quyền Lâm Đồng và Bình Thuận đã xây dựng một trạm bảo vệ rừng tại xã Tà Năng (huyện Đức Trọng) và đang đi vào hoạt động. Tới đây, Lâm Đồng cũng xây dựng thêm một trạm tại khu vực K’Tường (huyện Di Linh), hiện là điểm “nóng” phá rừng, nhằm mục tiêu ngăn chặn triệt để tình trạng phá rừng tại vùng giáp ranh.