Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Mọi trách cứ liệu đã đến đúng đích?

(09:45:49 AM 22/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Trong khi cộng đồng mạng vẫn còn đang xôn xao về bộ phim Nhà nước có kinh phí 21 tỷ "Sống cùng lịch sử" thì một đạo diễn đã nhẹ nhàng phát biểu ý kiến trên trang cá nhân: “Hãy để cho bộ phim ngủ yên vì nó đã thực hiện xong chức năng của nó”. Vậy chức năng của bộ phim này và nhiều phim “cúng cụ” tiền tỷ khác của điện ảnh Nhà nước Việt Nam nên được hiểu là gì?



Thu Quỳnh đóng vai nữ chính trong phim Sống cùng lịch sử


1. Chức năng đó là tạo công ăn việc làm cho một nhóm người, là chứng minh sức mạnh huy động vốn của điện ảnh quốc doanh hay nên đưa ra một chủ thể đối tượng để cộng đồng mạng chỉ trích sau nhiều sự kiện điện ảnh gây tranh cãi tiêu cực thời gian vừa qua?

Thực ra đây cũng không phải lần đầu tiên, phim Nhà nước bị công chúng quay lưng. Nhiều cây đa cây đề của điện ảnh Việt Nam đã thực hiện những bộ phim cúng cụ,  hầu hết trong số đó đều tốn kém, không được phát hành phổ thông và đánh dấu cho chuỗi nghỉ dài hơi của sự nghiệp đạo diễn.

Có thể kể đến những cái tên như Hoa ban đỏ (cố đạo diễn Bạch Diệp), Ký ức Điện Biên (đạo diễn Đỗ Minh Tuấn)... Thậm chí, Đừng đốt, bộ phim về đề tài chiến tranh đã được rất nhiều giải thưởng của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng cho thấy sự mỏi mệt, xưa cũ trong lối kể.


Gần đây nhất, Những người viết huyền thoại của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là bộ phim hiếm hoi làm về đề tài lịch sử được cập nhật hậu trường trên mạng xã hội và sau nhiều khó khăn, đã được BHD phát hành, rồi ít nhiều nhận được sự quan tâm của công chúng. Ngoài những khán giả mọi lứa tuổi có mặt trong buổi chiếu ra mắt ở hai miền, phim đã có những suất chiếu đặc biệt.

Thế nhưng với Sống cùng lịch sử, tác phẩm của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và biên kịch Đoàn Minh Tuấn thì không hề gây được chú ý trong suốt quá trình thực hiện và phát hành. Ít ai biết rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời đúng giai đoạn quay cuối Sống cùng lịch sử nên bộ phim đã có những cảnh quay mang lại nhiều cảm xúc cho anh em trong đoàn. Bộ phim cũng đã ra mắt hơn 1.300 chiến sĩ và sinh viên dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại chính vùng đất này.

2. Biên kịch Nguyễn Thủy, một trong số ít những người được dự buổi ra mắt, đã có đánh giá tích cực về bộ phim. Chị cho biết bộ phim có hiệu ứng khán giả tốt, hầu hết khán giả đều xúc động, đặc biệt với những cảnh quay đám tang Đại tướng đưa vào cuối phim. Sống cùng lịch sử đầu tư nhiều đại cảnh, các cảnh bom mìn ấn tượng, đậm chất anh hùng ca, dàn diễn viên trẻ diễn xuất đồng đều tạo nhiều cảm xúc dù kịch bản còn thiếu chặt chẽ... Điều chị băn khoăn là cái tên của bộ phim dễ dàng mang đến định kiến về một phim “cúng cụ” trong khi khâu phát hành thì có quá nhiều điều đáng bàn.

Hơn nữa, không có ai trong số những người nêu ý kiến bức xúc trên mạng xã hội lại có may mắn được trực tiếp xem bộ phim như chị Thủy. Và cái tên Sống cùng lịch sử chỉ trở nên đình đám khi số tiền đầu tư 21 tỷ được công bố.

Nhưng một điều khác đáng lưu tâm không kém là liệu bộ phim có thực sự đáng bị như vậy và 21 tỷ đồng thực sự đã được chi tiêu như thế nào vẫn là điều có quá ít người biết. Đã có người muốn đến xem bộ phim nhưng bị nhân viên của Trung tâm Chiếu phim Quốc gia từ chối vì suất chiếu quá ít người. Sau đó, theo đúng quy định phát hành, Sống cùng lịch sử phải đưa khỏi danh sách phim chiếu.

Câu hỏi lại đặt ra là nếu như bộ phim có một kế hoạch phát hành (chưa nói đến chiến dịch PR) và được trình chiếu ở một hệ thống rạp chuyên nghiệp, không từ chối tổ chức suất chiếu dù chỉ có một khán giả duy nhất muốn xem thì sự việc sẽ ra sao? Bởi nếu đúng theo cách này, chính những người vận hành bộ máy phát hành của điện ảnh Nhà nước đã trực tiếp bóp chết và chặn đứng cơ hội của một tác phẩm được đầu tư bằng tiền thuế của người dân.

Ít nhất, hãy cho bộ phim ra rạp lần nữa để những ai muốn xem bộ phim có cơ hội mua vé thay vì chỉ được biết qua những buổi chiếu nội bộ. Nếu mặc nhiên coi đó là một “sứ mệnh” đã hoàn thành mà bỏ thì sau này, sẽ còn bao nhiêu “sứ mệnh” được vẽ vời, thực thi bằng tiền thuế của người dân, khi mà họ muốn cũng chẳng có cơ hội để xem và hiểu điều gì đang thực sự diễn ra.

Hàn Thủy (Thể thao & Văn hóa)