Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh:TL
Tham dự Lễ có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện các Bộ, ngành; các Sở Tài nguyên và Môi trường, các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức chính trị xã hội; các cơ quan thông tấn báo chí và các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực môi trường tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến cho biết: Từ năm 2005-2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia hàng năm theo các chuyên đề Đa dạng sinh học; Môi trường nước 3 lưu vực sông Cầu, Nhuệ-Đáy, hệ thống sông Đồng Nai; Môi trường không khí đô thị; Môi trường làng nghề; Môi trường khu công nghiệp; Tồng quan môi trường Việt Nam; Chất thải rắn; Môi trường nước mặt.
Năm 2013, để đánh giá tổng thể về chất lượng môi trường không khí, phân tích mối quan hệ và tác động cả 3 yếu tố kinh tế-xã hội-môi trường phát triển bền vững đất nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Báo cáo môi trường quốc gia-Môi trường không khí.
Theo đó, Báo cáo Môi trường không khí gồm 6 chương: Điều kiện tự nhiên và kinh tế-xã hội ảnh hưởng đến môi trường không khí; Các nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí; Hiện trạng chất lượng môi trường không khí; Tác động của ô nhiễm môi trường không khí; Những kết quả và hạn chế trong quản lý môi trường không khí; Các giải pháp bảo vệ môi trường không khí.
Đánh giá về nội dung Báo cáo môi trường quốc gia năm 2013 với chủ đề “Môi trường không khí”, các đại biểu tham dự Lễ công bố cho rằng: Báo cáo là tài liệu hữu ích cho các nhà quản lý, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như cho tất cả những ai quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ môi trường không khí nói riêng.
Tuy vậy, do còn nhiều bất cập trong công tác quản lý đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết triệt để. Cụ thể là vẫn thiếu các quy định đặc thù cho môi trường không khí. Tính hiệu quả và hiệu lực thi hành các chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết. Đặc biệt là chưa thực hiện được việc kiểm soát khí thải tại nguồn, cùng với ý thức tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường của các chủ nguồn thải còn yếu kém….
Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản chính sách, pháp luật đặc thù về môi trường không khí; xây dựng Pháp lệnh về không khí sạch; Kế hoạch quốc gia quản lý chất lượng không khí…Đối với các Bộ, ngành và địa phương, phải tăng cường nguồn lực cho công tác giám sát các chủ nguồn thải khí, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không khí. Đồng thời tăng cường đẩy mạnh các giải pháp xanh nhằm giàm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.