Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Vĩnh Phúc: Nhiều đồi núi tan hoang vì khai thác đất đá thiếu quy hoạch

(08:22:03 AM 18/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc nhiều năm qua đã bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém, gây lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn thu, thậm chí không ít nơi để xảy ra tình trạng thất thu ngân sách nhà nước kéo dài trong nhiều năm.

Ảnh:TL

 

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc đã tiến hành quy hoạch, đồng thời cấp giấy phép cho phép một số doanh nghiệp, đơn vị khai thác nguồn tài nguyên khoáng sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh. Tính đến giữa năm 2012 trên địa bàn Vinh Phúc có 38 đơn vị có giấy phép còn hiệu lực khai thác khoáng sản với 44 mỏ, điểm mỏ hoạt động, tổng diện tích cấp phép là 421,8 ha; trong đó, có 8 điểm mỏ đá granit - fenspat, 9 điểm mỏ cát sỏi trên sông Hồng và sông Lô, 9 điểm mỏ đá xây dựng, 3 điểm mỏ sét đồi làm gạch men ...


Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nhìn chung các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn Vĩnh Phúc chủ yếu có công nghệ lạc hậu, quy mô nhỏ, các mỏ, điểm mỏ khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, không tập trung. Hoạt động khai thác chế biến các khoáng sản trên địa bàn chủ yếu làm vật liệu xây dựng, không có khoáng sản xuất khẩu.


Điều đáng nói là không ít doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khai thác sai quy định, vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác như: Khai thác ngoài phạm vi quy định, hết phép vẫn cố tình hoạt động để tận thu kiềm lời. Nhiều địa phương giữa chủ khai thác đã tự thỏa thuận với dân có ruộng, đồi để khai thác đất đồi, đất sét làm gạch ngói, cát xây dựng... Từ đó dẫn đến tình trạng xảy ra hiện tượng đồi núi bị tan hoang, đồng ruộng không còn khả năng canh tác, sạt lở bờ sông kéo theo ruộng đất ở bãi sông cũng bị dòng nước cuốn mất. Hoạt động khai thác đá thường phát sinh tiếng ồn, bụi, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường không khí và các hộ dân cư quanh khu vực. Ngoài ra, các phương tiện lưu thông ra vào khu mỏ là nguyên nhân gây xuống cấp, hư hỏng các tuyến đường giao thông trên địa bàn, nhất là các xe tải hạng nặng chở cát, đất, đá, sỏi đi qua các trục đường và cầu cống, phá nát nhiều công trình. Bụi đất, cát do đào bới, do xe chạy tung lên theo gió "bủa vây" người đi đường, dân cư sống gần đường giao thông.


Chị Nguyễn Thị Hoa - người dân sống gần núi Bông cho biết: Núi Bông và các gò đồi lân cận núi Bông thuộc thành phố Vĩnh Yên rộng hàng chục ha trước đây có cảnh quan thiên thiên thật đẹp mắt với màu xanh tươi tốt của các loại cây thì nay đã bị san phẳng vì tình trạng khai thác đất san lấp. Núi Thằn Lằn (hay còn gọi là đồi Phượng Hoàng) của thị xã Phúc Yên là một dãy núi cao duy nhất nằm ở phía tây nam thị xã, thuộc ranh giới giữa xã Ngọc Thanh, xã Cao Minh và phường Xuân Hoà. Xung quanh núi địa hình bằng phẳng và trống trải rất thuận lợi cho nhiều công việc nhưng một phần khu vực chân núi này đang bị khai thác suốt ngày đêm…


Để xảy ra những tồn tại, yếu kém nêu trên nguyên nhân là do công tác quản lý tài nguyên và khai thác khoáng sản ở Vĩnh Phúc chưa chặt chẽ, xử lý chưa nghiêm và xử phạt chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, nhất là của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động khai thác khoáng sản còn một số hạn chế, trong đó không ít đơn vị cố tình vi phạm pháp luật, khi mỏ khoáng sản kết thúc thời gian hoạt động khai thác nhưng chưa thực hiện công tác phục hồi môi trường theo quy định hoặc vẫn kéo dài thời gian khai thác.


Trong những năm gần đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc đã tiến hành thanh tra, kiểm tra hàng trăm lượt, xử phạt hàng chục cơ sở, nhưng số tiền phạt bình quân chỉ từ 4 đến 5 triệu đồng/cơ sở, do đó không đủ sức răn đe và làm các đối tượng khai thác ngừng hoạt động. Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Lê Văn Oanh (sinh năm 1966, ở xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương) và Lê Văn Thiết (sinh năm 1975, ở xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường) về tội "vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên" theo điều 172 Bộ luật Hình sự.

 

Trước đó vào ngày 16/6/2014, tại cánh đồng trũng Ma Vệ thuộc thôn Hoàng Hạ, xã Kim Xá, huyện Vĩnh Tường, Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1 máy xúc đất. Quá trình điều tra thấy rằng trước đây Lê Văn Thiết đã mua và đổi đất của các hộ dân có ruộng ở cánh đồng trũng Ma Vệ được hơn 6.000 m2 đất nông nghiệp trồng lúa một vụ với mục đích đào ao, thả cá. Oanh đã mua của Thiết với giá 14 triệu đồng/1 sào, sau đó Oanh đã cho máy xúc tiến hành múc đất mang đi bán cho các nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn tỉnh để thu lời bát chính với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Tính đến ngày bị bắt Oanh và Thiết đã khai thác được hơn 15.000 m3 đất và Oanh đã trả cho Thiết tổng số tiền 70 triệu đồng.

Nguyễn Trọng Lịch