Tin môi trường - Cổng thông tin về môi trường Việt Nam

Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn

Đắk Lắk phòng trừ thành công sâu hại phổ biến trên cây cà phê

(10:02:28 AM 11/09/2014)
(Tin Môi Trường) - Huyện Cư M’gar là vùng trong điểm cà phê của tỉnh Đắk Lắk, với diện tích trên 36.000 ha, trong đó chủ yếu là cà phê kinh doanh cho thu hoạch, sản lượng mỗi năm đạt gần 100.000 tấn cà phê nhân. Hiện nay, do mưa, nắng diễn biến bất thường nên đã xuất hiện các loài sâu hại trên cây trồng như rệp sáp, đốm mắt cua, gỉ sắt, nấm hồng...

Ảnh: IE


Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cư M’gar, hiện nay, rệp sáp gây hại ở các vườn cà phê, với diện tích nhiễm bệnh từ 100 - 150 cây/ha, mật độ rệp 300 con/cây. Còn đối với các bệnh đốm mắt cua, nấm hồng, gỉ sắt cũng bắt đầu gây hại, với mức độ từ 30 đến 50 cây/ha, chủ yếu xảy ra ở những diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch già cỗi.


Mặt khác, trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện hiện tượng rụng quả sinh lý, thối cuống quả, với mật độ khoảng 30 cây/ha làm giảm năng suất, sản lượng cà phê của các nông hộ.


Huyện Cư M’gar đã chỉ đạo, hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê trên địa bàn theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình sâu bệnh hại, có biện pháp phòng trừ, kiên quyết không để xảy ra dịch bệnh gây hại cho cây cà phê trên diện rộng. Các ngành chức của huyện cũng đã khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp sử dụng các loại thuốc chuyên dụng kết hợp với phân bón lá để phòng trừ có hiệu quả các loại sâu bệnh hại cho cây cà phê. Đối với các bệnh gỉ sắt, đóm mắt cua, nấm hồng, các đơn vị chức năng đã hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sử dụng các loại thuốc như Anvil 5SC, Tilt 250 EC… kết hợp với các loại phân vi lượng phun 2 lần, mỗi lần cách nhau từ 5 đến 7 ngày. Các nông hộ, doanh nghiệp cũng cần sử dụng các loại thuốc như Dithant M45 kết hợp với phân vi lượng phun 2 lần, mỗi lần phun cách nhau 10 đến 15 ngày nhằm hạn chế rụng quả cà phê. Các ngành chức năng ở huyện cũng hướng dẫn các nông hộ, các doanh nghiệp làm vệ sinh vườn cây, dọn sạch cỏ rác, lá cây mục ở xung quanh gốc, cắt bỏ các chồi tăm, chồi sát mặt đất, cành vô hiệu, cành khô…tạo thông thoáng cho vườn cà phê, giảm nơi sinh sống của các loài sâu bệnh hại.


Hiện nay, tình trạng sâu bệnh gây hại trên cây cà phê ở huyện Cư M’gar đã được khắc phục, không để lây lan, xảy ra thành dịch. Phần lớn diện tích cà phê kinh doanh cho thu hoạch trên địa bàn đang phát triển tốt, dự báo niên vụ này huyện Cư M’gar được mùa cà phê. 

Quang Huy