Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Ảnh: TL
Vườn Quốc gia Yok Đôn từ năm 2013 đến nay đã tiến hành giao khoán quản lý và bảo vệ rừng, với tổng diện tích 35.000 ha cho cộng đồng 19 thôn, buôn của đồng bào dân tộc thiểu số tại 3 xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer (huyện Buôn Đôn). Nhờ vậy, đời sống đồng bào từng bước được cải thiện và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân cũng được nâng cao, hạn chế tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng, đất rừng như những năm trước đây.
Tại buôn Trí B, xã Krông Na tất cả 138 hộ gia đình nhận tham gia quản lý bảo vệ 1.642 ha rừng của Vườn Quốc gia Yok Đôn. Các hộ chia làm 8 nhóm, thay nhau đi tuần tra bảo vệ rừng vào tất cả các ngày trong tuần, khi phát hiện có người lạ vào lâm phần do thôn, buôn quản lý báo ngay với các đơn vị chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Nhờ vậy, từ năm 2013 trở lại đây, trên lâm phần của buôn quản lý không còn tình trạng khai thác, lấn chiếm đất rừng trái phép, đồng thời, thu nhập của đồng bào cũng được tăng thêm từ mức thù lao quản lý bảo vệ rừng (bình quân 200.000 đồng/ha)…
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn, với thực trạng đội ngũ quản lý, bảo vệ rừng đang thiếu, việc giao khoán rừng cho các thôn, buôn không những tăng thêm nhân sự cho công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện, nhận thức quản lý, bảo vệ rừng nân cao.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, các quy định của nhà nước về giao đất, giao rừng còn bộc lộ nhiều bất cập, chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế. Cụ thể, phần lớn diện tích rừng được giao cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng thôn, buôn chủ yếu là rừng nghèo, trước mắt chưa có sản phẩm để hưởng lợi trong khi luân kỳ kinh doanh đối với cây lâm nghiệp tương đối dài. Trong khi đó, các hộ nhận rừng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, không có nguồn vốn để đầu tư cho việc bảo vệ và phát triển rừng. Hơn nữa, thu nhập các sản phẩm trực tiếp từ rừng của các hộ dân được giao rừng hiện tại rất thấp so với canh tác những loại cây trồng nông nghiệp khác trên diện tích được giao. Do vậy, xuất hiện tình trạng một số hộ phá rừng để lấy đất trồng các loại cây trồng khác hoặc sang nhượng đất đai trái pháp luật.
Ông Trang Quang Thành kiến nghị, trung ương cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để quản lý bảo vệ rừng có hiệu quả. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách và quy định về giao, khoán, hưởng lợi đối với cộng đồng buôn làng được giao quản lý bảo vệ rừng và hưởng lợi ổn định, lâu dài nhằm khuyến khích cộng đồng buôn làng chăm lo việc quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Ông Thành cũng cho rằng, cần thí điểm cơ chế đồng quản lý và chia sẻ lợi ích khi tham gia bảo vệ phát triển rừng, đồng thời, đề xuất trung ương tăng mức thù lao quản lý bảo vệ rừng lên từ 300.000 đến 500.000 đồng/ha/năm (hiện nay 200.000 đồng/ha/năm)…