Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Tôm thẻ chân trắng- Ảnh: IE
Sau một thời gian dài thả nuôi các loại cá truyền thống như cá lóc bông, cá vược, cá trắm đen… nhưng hiệu quả không cao, ông Lê Văn Thoái ở xóm 9, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy đã cải tạo gần 7.000m2 ao trên tổng diện tích 10.000m2 mặt nước của gia đình để nuôi tôm thẻ chân trắng. Vụ nuôi đầu tiên từ tháng 3 năm nay, ông Thoái thả khoảng 15 vạn con tôm giống và sau 70 ngày ông thu được hơn 1 tấn tôm, với giá bán cho thương lái tới mua tận nhà là 130.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi khoảng 50 – 60 triệu đồng. Nhận thấy lợi ích từ việc nuôi tôm trong môi trường nước ngọt, ông đang tiếp tục thả nuôi vụ tiếp theo. Hiện số tôm giống mới thả tại ao của ông đã được khoảng gần 3 tuần tuổi.
Theo ông Thoái, nuôi cá nước ngọt phải nuôi trong thời gian dài, tiền thức ăn và chi phí chăm sóc rất tốn kém nên gặp nhiều rủi ro và khi thu hoạch giá bán khá bấp bênh. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong nước ngọt có thời gian thu hoạch ngắn, trung bình chỉ tầm 3 tháng. Mặc dù vốn đầu tư ban đầu tuy cao hơn nhiều so với đầu tư nuôi cá nước ngọt song chỉ cần “thắng” một vụ là có thể hoàn vốn và tiếp tục sinh lời. Tuy đây là giống tôm quen sinh trưởng trong môi trường mặn lợ nhưng theo ông thì trước khi thả nuôi vào ao nước ngọt chỉ cần “thuần hóa” tôm giống là được. Đặc biệt, là giá tôm thương phẩm khá ổn định và luôn ở mức cao, người nuôi ít phải lo lắng về vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Tuy nhiên, ông Thoái không tỏ ra hay biết về việc người dân được yêu cầu không tự ý thả nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Một người nuôi tôm thẻ chân trằng (không cho biết tên) tại thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh cho biết cũng đã nghe nói về vấn đề này nhưng vẫn thả nuôi tôm giống sau khi đã có công văn của Bộ và của tỉnh ban hành.
Qua khảo sát cho thấy, do con tôm thẻ chân trắng vốn sống trong môi trường nước có độ mặn, bởi vậy mô hình này nói là nuôi tôm trong môi trường nước ngọt song thực chất người nuôi vẫn phải tạo độ mặn phù hợp cho con tôm. Tuy nhiên, vì là môi trường nước ngọt nên để làm mặn vùng đáy người nuôi thường làm theo cách thả muối xuống ao hoặc khoan giếng nước ngầm tại vùng đáy ao.
Điều đáng nói là hiện nay, tất cả các diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt trên địa bàn tỉnh Nam Định lại đều nằm trong diện tích quy hoạch để nuôi các loại cá nước ngọt, theo Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, do thấy lợi trước mắt ở một hoặc hai vụ nuôi đầu nên người dân đã bất chấp thậm chí làm “ngơ” hoặc tìm cách đối phó trước những quy định dù đã nắm được rõ ràng.
Theo ông Nguyễn Doãn Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, Sở đã có công văn đề nghị các đơn vị chức năng có liên quan để cùng phối hợp tập trung chỉ đạo về vấn đề này. Theo đó, Nam Định chủ trương không nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt và thực hiện nuôi tôm nước lợ đúng theo Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản và muối đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những vi phạm nuôi tôm thẻ chân trắng và không để người dân tự ý thả nuôi tôm chân trắng trong vùng nước ngọt.
Đối với các địa phương đã thả nuôi như Giao Thịnh (huyện Giao Thủy), Nam Điền (huyện Nghĩa Hưng), thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh) cần yêu cầu người nuôi thực hiện nguyên các cam kết về bảo vệ môi trường, sau khi thu hoạch không thả nuôi trở lại và không để phát sinh thêm diện tích nuôi mới.