Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Những ngọn đồi bát úp xưa kia vốn bị bỏ hoang là bãi chăn thả trâu bò tự nhiên giờ đã được quy hoạch đâu ra đấy, phía dưới là những vạt nương dong riềng đỏ thắm và cao hơn nữa là những đồi chè đặc sản trải dài bát ngát, những rừng trúc đẹp như trong phim làm nức lòng du khách.
Rừng Phia Oắc hồi sinh- Ảnh: IE
* Đói nghèo, nguyên nhân chính khiến rừng bị tàn phá
Cũng giống như Sa Pa, Mẫu Sơn, Tam Đảo…, Phia Oắc là một trong những "miền đất lạnh" với hệ thống đỉnh núi cao, khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, không gian nguyên sinh và thảm động, thực vật đa dạng. Đặc biệt, nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loại khoáng sản quý hiếm như: Vomfram, titan, đồng, chì, kẽm… Bên cạnh đó, Phia Oắc còn có nhiều loại cây thuốc quý như thất diệp nhất chi hoa, hà thủ ô, mãnh huyết, tim pất đeng… Tuy nhiên, cũng chính vì những tài vật quý hiếm ấy mà trong một thời gian dài, Phia Oắc bị “quặng tặc” và “lâm tặc” tấn công không thương tiếc. Những cây được liệu quý bị đào tận gốc, chốc tận dễ; những cánh rừng nguyên sinh bị đốn hạ để khai thác khoáng sản phái phép. Điều đáng nói, trong một thời gian dài rừng Phia Oắc gần như vô chủ.
Nhằm tránh tình trạng vô chủ tại rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén, ngày 27/12/2011, UBND tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định thành lập Ban quản lý khu rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo ông Long Văn Bằng , Giám đốc Rừng đặc dụng Phia Oắc - Phia Đén, tình trạng chặt phá rừng và khai thác khoáng sản đã xảy ra từ năm 1999 khi trữ lượng mỏ thiếc Tĩnh Túc đã cạn kiện, quy mô khai thác, chế biến bị thu hẹp, công nhân thiếu việc làm, không về quê mà bám trụ tại mỏ. Trong khi đó, các dự án đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng chưa được quan tâm, nhân dân trong vùng chưa được hưởng lợi từ các chương trình đầu tư mới về quản lý bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng. Nhân dân trong vùng và các vùng lân cận không có việc làm ổn định hoặc sau mùa vụ, những lúc nông nhàn thì lên núi khai thác quặng kiếm sống tăng thu nhập.
Kể từ khi được thành lập, Ban quản lý phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường và Hạt Kiểm lâm huyện Nguyên Bình xây dựng quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản. Từ khi Ban quản lý khu rừng đặc dụng đi vào hoạt động tháng 3/2012 đến nay, tình trạng chặt phá rừng đã được ngăn chặn đáng kể; nạn khai thác khoáng sản trái phép đã giảm hẳn. Tuy nhiên, việc ngăn chặn những hành vi phá rừng cũng chỉ là việc giải quyết đằng ngọn, vì khi "cái bụng" người dân chưa "no", thu nhập không ổn định thì họ lại lên rừng kiếm ăn.
* Cây đặc sản giúp rừng hồi sinh
Đưa chúng tôi xem những nương chè xanh ngát, những vùng nguyên liệu miến dong rộng lớn, những vườn dược liệu mới ươm…, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, tươi cười cho biết, đây chính là giải pháp giữ rừng Phia Oắc - Phia Đén một cách bền vững. "Phương châm của chúng tôi là phải làm cho cái bụng người dân no rồi mới tính đến chuyện giữ rừng. Cây đầu tiên chúng tôi chọn là cây rong riềng, sau là cây chè đặc sản như ô long, bát tiên… Hiện nay, hai loại cây này sau một thời gian đã cho ra những sản phẩm có giá trị cao và đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi đang nghiên cứu đưa mốt số loại cây dược liệu, hoa, các loại rau sạch tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Có như vậy người dân mới yên tâm làm ăn và mới vững lòng tham gia bảo vệ rừng”, ông Hoàng Anh chia sẻ.
Gặp chị Nông Thị Tròn, xóm Pù Vài, xã Thành Công bên nương chè, chị vui vẻ cho biết, hàng ngày chị đến hái chè thuê cho Công ty TNHH Kolia với giá 10.000 đồng/kg chè tươi. Nếu chịu khó, mỗi ngày chị cũng kiếm được 100.000 - 200.000 đồng. Từ ngày Công ty TNHH Kolia đầu tư phát triển trồng chè tại địa phương, cuộc sống đồng bào nơi đây có nhiều đổi thay, người dân có thêm việc làm. Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ cây giống và phân bón, kỹ thuật trồng chè cho bà con để phát triển vùng nguyên liệu chè trong dân. Chị Tròn cho biết: "Gia đình tôi được hỗ trợ trồng hơn 6.000 cây chè, nay đã bắt đầu cho thu hái bói. Với giá 45.000 đồng/kg chè tươi như hiện nay, chắc chắn gia đình tôi sẽ có thu nhập cao hơn trồng sắn và ngô".
Không riêng gia đình chị Tròn, hầu hết người dân vùng Phia Đén hiện nay đều được Công ty TNHH Kolia hỗ trợ cây giống để phát triển cây chè. Bà Sầm Thị Thanh, cũng ở xóm Pù Vài chia sẻ: "Nhà tôi có diện tích đất đồi, đất rừng khá nhiều, nhưng trong nhiều năm bỏ hoang vì không biết trồng cây gì cho có giá trị kinh tế, nay được Công ty hỗ trợ giống, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình tôi đã trồng được 1,5 ha chè nguyên liệu. Sắp tới có điều kiện và tiếp tục được Công ty hỗ trợ, gia đình tôi sẽ mở rộng thêm diện tích trồng chè".
Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Kolia, người đi đầu trong sự nghiệp phát triển vùng chè đặc sản Phia Đén khẳng định, dù phát triển loại cây con gì cũng phải tính đến lợi ích lâu dài và bền vững. Từ lâu đời bà con nơi đây đã biết trồng cây dong riềng để làm miến dong, trồng chè và chế biến chè bằng phương pháp thủ công… Tuy nhiên, những việc làm của bà con chủ yếu là tự phát, manh mún, không có đầu ra và thương hiệu ổn định. Chính vì vậy, các sản phẩm của bà con dù là đặc sản nhưng không có giá trị cao. Việc Công ty đầu tư vùng nguyên liệu chè tại Phía Oắc - Phia Đén chính là để giúp nhân dân nơi đây phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng đất, cho ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao và có nguồn thu nhập một cách ổn định.
Hiện Công ty đang phấn đấu đến năm 2015, sẽ trồng thêm 10 ha và triển khai trồng 50 ha chè nguyên liệu trong dân. Cùng với đó, Công ty tiếp tục khảo sát thị trường, trong đó chú trọng thị trường ngoài nước nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra, Công ty TNHH Kolia còn đầu tư Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Phia Đén tọa lạc trên núi cao, với nhiều hạng mục như lầu ngắm cảnh, vườn hoa, nhà nghỉ… Hy vọng trong tương lai, Phia Oắc - Phia Đén không chỉ là vùng có những sản vật quý giá, mà còn sớm trở thành điểm đến của hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế.