Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam Hotline: 091.5203050 - 091.5203070 Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com Website:tinmoitruong.com.vn
”Nghề lạ” trên đường vành đai ngoài ở Sài Gòn
(09:37:46 AM 30/08/2014)
(Tin Môi Trường) - Hàng trăm người dân sống xung quanh công trình đường Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài muốn ra đường chính phải đi nhờ “chiếc cầu” của bà Ba
pic1
Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân sống gần khu vực cầu Gò Dưa (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP HCM) - đoạn ngay công trình thi công tuyến đường Phạm Văn Đồng (sắp được đưa vào sử dụng) gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Ông Minh Tuấn, chủ trại cá gần đình Bình Chánh than thở: 'Từ sáng đến chiều, người dân đi làm, đi công chuyện hoặc con cái chúng tôi đi học… ở khu trung tâm quận Thủ Đức phải chạy xe xuống tận ngã 3 trại cá sấu Hoa Cà rồi chạy ngược lên đường Kha Vạn Cân xa nhiều km. Đó là chưa kể, những lúc giờ cao điểm cùng lúc tàu hỏa chạy qua thì thảm cảnh kẹt xe khiến ai cũng khổ sở'.
Theo người dân ở đây, đơn vị thi công chỉ mở hàng rào công trình cho người dân chạy về hướng trung tâm quận Thủ Đức từ sau 17h đến sáng hôm sau. Ngoài thời gian đó, người dân sống trong phạm vi công trình này buộc phải chạy về ngã 3 giao với đường số 20 rồi ngược lại đường Kha Vạn Cân về trung tâm quận Thủ Đức.
Nắm bắt được nhu cầu của người dân, tại khu vực gần hàng rào công trình bị khóa, một phụ nữ khá lớn tuổi đã mang 2 chiếc vỉ sắt làm cầu bắc ngang dải phân cách khá cao giúp phương tiện vượt qua và thu phí… 2000 đồng/lượt.
'Nhiều chủ xe máy thấy đường đẹp, lại sợ ùn tắc ở Kha Vạn Cân nên có ý định đi qua tuyến đường vừa thi công xong nhưng chưa thông xe này. Tuy nhiên, chạy gần đến cầu Gò Dưa thì họ bị hàng rào đóng chặt buộc phải quay lại. Nhiều người ngại đi xa nên 'vui vẻ' bỏ ra 2.000 đồng chạy qua vỉ sắt của tôi', bà Ba, người làm cầu sắt thu phí chia sẻ.
Cũng theo bà Ba, mỗi ngày từ sáng đến chiều, nếu chịu khó bà cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng để góp chút tiền chợ với chồng. Tuy nhiên theo bà, 'nghề lạ' này chỉ tồn tại thêm vài ngày vì đến dịp lễ 2/9 tuyến đường này sẽ cho xe lưu thông.
Vào giờ cao điểm đi lại, người con trai của bà Ba cũng có mặt để phụ mẹ.
Đa số người tham gia giao thông khi phát hiện hàng rào bị đóng đều đồng ý trả phí 'qua cầu' của mẹ con bà Ba.
Tuy nhiên cũng không hiếm trường hợp tự nhấc xe vượt qua đường như thế này để 'tiết kiệm'.