(Tin Môi Trường) - Từ năm 2013 đến nay, khi Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, trực thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk chuyển thành Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn, thì hơn một nghìn ha rừng sinh thái phục vụ khai thác du lịch hầu như không có người bảo vệ, nên bị tàn phá tan hoang.
Những ngày trung tuần tháng 8 vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) và thật xót xa khi chứng kiến cảnh hàng nghìn ha rừng tự nhiên ở đây không được quản lý, bảo vệ và khai thác du lịch theo đúng mục đích. Qua quan sát thực tế, chúng tôi nhận định, rừng ở khu du lịch này hiện nay là vô chủ, dẫn tới lâm tặc ngang nhiên tận diệt cả những cây gỗ non, miễn là tiêu thụ được.
Vào rừng Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn, không khó để tìm ra những vị trí lâm tặc khai thác gỗ. Từ khu vực đồi Tâm Linh, theo con đường lát đá xanh phục vụ khách du lịch đạp xe thăm quan rừng, chúng tôi đi khoảng 500m là đã nghe tiếng máy nổ của cưa xăng lâm tặc khai thác gỗ. Đang là mùa mưa, các loại cây ở tầng thấp rậm rạp, nên việc truy tìm nhóm lâm tặc đang đốn hạ cây rừng không phải dễ. Nhất là khi lâm tặc đã quá dày dạn kinh nghiệm trong việc phòng tránh lực lượng chức năng truy đuổi.
Ngay cả việc giấu những chiếc xe cày, xe máy trong bụi cây cũng kín đáo đến mức những công an viên xã Krông Na đã nhiều lần truy bắt lâm tặc cũng khó tìm ra dấu vết. Nghe thấy tiếng cưa xăng nổ đấy, nhưng tìm vị trí chính xác của nó cũng không phải dễ. Hơn nữa, trong những trường hợp khai thác gỗ kiểu này, lâm tặc còn sử dụng mạng lưới “cảnh giới từ xa”, khi thấy động là báo cho nhau bằng điện thoại di động thì thật khó để bắt giữ quả tang.
Những cây to đã bị đốn hạ (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Theo lời của một người dân địa phương đã có kinh nghiệm “nghề rừng” thì vào thời điểm mùa mưa, cây cối rậm rạp, lâm tặc thường đi bộ lội rừng để “cõng gỗ”. Cái ưu thế của đi bộ là có thể cắt rừng, không để lại dấu vết trên đường. Và khi bị truy đuổi dễ lẩn trốn, dễ tẩu tán tang vật. Còn nếu vận chuyển bằng xe máy độ chế, thì mỗi xe thường có 2 người: Một người điều khiển xe, người còn phụ phía sau, khi bị lực lượng chức năng đuổi bắt, người phụ xe dùng dao chặt cho gỗ rơi khỏi xe để phi tang.
Cũng tại Khu rừng sinh thái – văn hóa Bản Đôn này, cách đây 2 năm một nhóm lâm tặc đã ngang nhiên khai thác trái phép trên quy mô lớn với hàng chục m3 gỗ bị phát hiện. Vụ việc đã bị cơ quan chức năng khởi tố. Tuy nhiên, không vì vậy mà lâm tặc chùn tay, nhất là vào thời điểm gỗ đang có giá cao, chủ rừng lại buông lỏng quản lý như hiện nay.
Sau một buổi sáng lội rừng ở vùng trung tâm khu du lịch, tận mắt chứng kiến nhiều cánh rừng cạn kiệt gỗ do lâm tặc đã hoàn thành việc khai thác, đầu giờ chiều, chúng tôi tiếp tục đi theo hướng tỉnh lộ 1 để vào rừng sinh thái – văn hóa Bản Đôn. Từ trạm bảo vệ rừng của công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn (hiện đã bỏ hoang), theo con đường tuần tra đi gần 1km là tới địa điểm lâm tặc vừa khai thác gỗ giáng hương (nhóm 2A), cà chít, căm xe (nhóm 2B). Thật xót xa khi tận mắt chứng kiến những cây gỗ giáng hương còn non, đường kính gốc chỉ 15-30cm mà đã bị đốn hạ không thương tiếc. Mỗi cây Giáng hương, lâm tặc chỉ lấy được khoảng 3-4m chiều dài từ gốc trở lên.
Theo lời của người dẫn đường, gỗ giáng hương non thế này, tùy vào kích thước của lõi gỗ (phần sử dụng được), giá bán ngoài bìa rừng xê dịch từ 10-15 nghìn đồng/kg. Bình quân một lâm tặc trong ngày ngùi đượng khoảng 50kg sẽ có thu nhập 500-700 nghìn đồng. Có lẽ chính từ nguồn thu “khá ổn”, nên không khó để lý giải tại sao ở xã Krông Na này, lâu nay đội ngũ lâm tặc luôn hùng hậu (!).
Những cây giáng hương non bị tận diệt (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Tùy vào đặc điểm địa hình, độ cao, độ ẩm mà cây rừng sinh thái Bản Đôn phân ra từng khu vực. Có khu vực toàn cây giáng hương, khu toàn cà chít, khu khác lại là nơi phân bố chủ yếu của căm xe, chiu liu, bồ kết, cẩm lai. Tại vị trí cách tỉnh lộ 1 chưa đầy 1km, chúng tôi đo đếm cả trăm cây căm xe, cà chít có đường kính gốc 30-40cm đã bị lâm tặc đốn hạ, lấy đi toàn bộ phần thân, để lại hện trường là bìa gỗ và cành, ngọn. Với những cây gỗ cà chít, căm xe này, khai thác và vận chuyển ra khỏi rừng sẽ bán được từ 10 triệu đồng/m3.
Qua quan sát những dấu vết để lại hiện trường, đồng chí cán bộ công an xã Krông Na nhận định: “Tại các bãi khai thác này, lâm tặc sử dụng xe cày để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Vì gỗ được cưa cắt có chiều dài mỗi khúc 3-4m, thì không thể vận chuyển bằng xe máy được”. Điều này cho thấy, việc lâm tặc tổ chức khai thác gỗ ở đây là rất quy mô, có tổ chức, và đã lấy được khối lượng gỗ rất lớn. Có tới hàng trăm cây giáng hương, căm xe, cà chít mới bị khai thác trong khoảng thời gian từ cuối năm 2013 đến nay. Nhiều cây giáng hương bị đố hạ nay cành, lá vẫn còn tươi.
Có thể nói, thực trạng trên cho thấy, rừng tự nhiên ở huyện Buôn Đôn đã suy kiệt hết mức, đã bị khai thác đến tận diệt. Ngay trong khu rừng sinh thái Bản Đôn, một người dân địa phương có kinh nghiệm đi rừng cho biết: “Nếu không khai thác non, thì rừng ở đây chẳng còn cây gỗ nào có thể khai thác được!”.
Dấu vết lâm tặc xẻ gỗ ngay trong rừng (Ảnh: An ninh Thủ đô).
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Y Thông Khăm Niê Kđăm, Chủ tịch UBND xã Krông Na bức xúc: Tình trạng 1.360 ha rừng giao cho Khu du lịch sinh thái – văn hóa Bản Đôn khai thác du lịch từ năm 2005 đến nay, nhưng bị buông lỏng quản lý, dẫn tới bị lâm tặc khai thác ồ ạt đã diễn ra lâu nay.
Trước đây do Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk làm chủ quản cũng bị khai thác, một số vụ đã bị khởi tố. Từ năm 2013 đến nay, do Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn quản lý thì tình trạng khai thác trái phép càng phức tạp hơn. Riêng năm 2013, Công an xã Krông Na đã phát hiện và bắt 5 vụ. Mới đây, UBND huyện đã phải bố trí lực lượng chốt chặn trong rừng. Nhưng khi lực lượng của huyện rút đi, thì lâm tặc lại lộng hành. Chủ tịch UBND xã Krông Na cũng kiến nghị, trong trường hợp Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn không quản lý nổi 1.360 ha rừng sinh thái thì UBND tỉnh nên thu hồi để bàn giao cho đơn vị khác quản lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, từ đầu năm 2014 đến nay Công ty CP Thương mại – Du lịch Bản Đôn làm ăn èo uột, bảo vệ và nhân viên thiếu việc làm, không có lương. Đa phần đã bỏ việc, nay cả công ty chỉ còn hơn chục người, trong đó chỉ có 1 bảo vệ làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản và bảo vệ rừng. Trong khi đó, chỉ riêng việc bảo vệ tài sản thôi, 1 bảo vệ đã không kham nổi, dẫn tới gần đây xảy ra một số vụ kẻ gian đột nhập trộm cắp tài sản. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ rừng hầu như đơn vị này không thực hiện. Rừng vô chủ, dẫn tới bị khai thác trái phép theo kiểu tận diệt mà không ai chịu trách nhiệm.
Chúng tôi cho rằng UBND tỉnh Đắk Lắk sớm vào cuộc, xử lý quyết liệt để cứu hơn nghìn ha rừng có giá trị du lịch và sinh thái.