Tin Môi Trường- Tin nhanh về môi trường Việt Nam
Hotline: 091.5203050 - 091.5203070
Email: tinmoitruong@tinmoitruong.com
Website: tinmoitruong.com.vn
Đuổi ra khỏi nhà
Tháng 12/2012, khi ông trùm truyền thông Rupert Murdoch quyết định tách hoàn toàn mảng báo in ra “ở riêng”, trở thành một công ty hoạt động độc lập, giá cổ phiếu của News Corp lập tức đảo chiều, tăng mạnh trở lại. Có thể nói, đây là “phát súng” đầu tiên mở đầu trào lưu “hắt hủi” báo in trên bình diện toàn cầu.
Trước đó, tháng 10/2012, Newsweek – tạp chí kinh tế đình đám của Mỹ tuyên bố ngừng bản in để chuyển hẳn sang bản điện tử với tên gọi Newsweek Global. Để đọc tin tức online, độc giả sẽ phải trả tiền. Khi đó, ban lãnh đạo Newsweek cho biết, nếu tiếp tục giữ báo in sẽ chỉ khiến họ thua lỗ khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Đến tháng 8/2013, Newsweek một lần nữa bị hắt hủi khi bị sang tay cho chủ mới là hãng truyền thông IBT Media với giá bán khá rẻ mạt.
Chưa hết, trong quá trình chuyển đổi sang môi trường mạng Internet, các công ty, tập đoàn truyền thông hùng mạnh của thế giới ngày càng tỏ ra lạnh nhạt với báo in. Thậm chí các cổ đông còn thể hiện sự khó chịu ra mặt với “ông hoàng” đã từng có một thời vang bóng này.
Bước sang năm 2014, Gannett – tập đoàn sở hữu tờ USA Today, tờ báo từng có thời có lượng xuất bản lớn nhất nước Mỹ - thông báo kế hoạch tách hoạt động của mảng báo in và truyền hình thành hai đơn vị riêng biệt.
Trước khi USA Today và những người anh em của mình bị hắt hủi thì Tribute Co – công ty mẹ của các tờ Los Angeles Times và Chicago Tribute tách ra khỏi tập đoàn hay tập đoàn Time Warner cũng quyết định cho tạp chí Time ra "ở riêng".
Tháng trước 7/2014, hai công ty truyền thông EW Scripps và Journal Communications sau khi tuyên bố hợp nhất cũng quyết định tách mảng báo giấy ra khỏi công ty, để hoàn toàn tập trung vào mảng truyền hình và truyền thông kỹ thuật số.
Có thể nói, báo in giờ đây chỉ còn là một “gã hành khất” đang cố gắng vẫy vùng để người ta không lãng quên mình.
Chỉ là một "cuộc đời mới"?
Chứng kiến làn sóng này, ông Mark Jurkowitz - Phó Giám đốc Dự án Báo chí của trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ), đã phải thốt lên rằng “hành động này giống như tình cảnh những đứa trẻ bị bố mẹ tống ra khỏi nhà”.
Bi kịch là ở chỗ, cho đến lúc này, lợi nhuận trung bình của lĩnh vực báo in vẫn đạt khoảng 16% (cao hơn cả mức lợi nhuận của Walmart hay Amazon). Chuyên gia tư vấn truyền thông Alan Mutter cho rằng thủ phạm của sự hắt hủi này chính là do trong những năm gần đây, tin tức trong lĩnh vực kỹ thuật số đã dần thay thế ngôi vị một thời của báo giấy và để có thể tồn tại cũng như cạnh tranh trong lĩnh vực mới, ngành công nghiệp tin tức ngày càng phụ thuộc vào những ông lớn công nghệ như Google, Facebook hay Twitter.
Có cùng quan điểm với Alan Mutter, chuyên gia Dan Kennedy, một Giáo sư báo chí tại Đại học Northeastern, cho rằng ngành báo giấy đang phục hồi và trên tổng thể lợi nhuận ngành báo giấy vẫn còn khá ổn, nếu biết cách xoay xở, các tờ báo in vẫn có thể yên tâm sống tốt trong một thời gian dài nữa. Theo Jurkowitz, vấn đề thực sự với ngành báo giấy là sự thất bại trong việc xây dựng một mô hình kiếm tiền từ phương tiện kỹ thuật số ngày nay.
Một trong những tấm gương điển hình cho quan điểm này là mô hình tăng trưởng của New York Times và Washington Post. Những tờ báo này vẫn duy trì được mảng báo in trong khi lượng độc giả phiên bản trực tuyến cũng gia tăng đáng kể.
Cũng theo nhận định của giáo sư Kennedy, dù rằng báo in vẫn sinh lời và là một phần quan trọng của cộng đồng, nhưng sự bi đát của nó là do không thể đáp ứng được kỳ vọng của Phố Wall về tốc độ phát triển.
Ông Peter Copeland, cựu biên tập viên Scripps Howard News Service, lại có cái nhìn lạc quan hơn về số phận của báo in khi cho rằng việc tách báo giấy khỏi các công ty mẹ đa truyền thông là xu hướng hợp lý.
"Tôi nghĩ rằng báo in đang bước vào một thời kỳ mới, một giai đoạn trong vòng đời của báo in", Peter Copeland nhận định.