(Tin Môi Trường) - Vào mùa mưa từ tháng 4 đến 10 âm lịch, măng Bảy Núi (An Giang) bước vào kỳ thu hoạch. Loại cây này không cần chăm sóc nhưng cho thu nhập cả trăm triệu đồng/năm.
Núi Cấm là vựa măng tre mạnh tông lớn nhất miền Tây. Mỗi năm nơi đây cho sản lượng hàng trăm tấn, cung cấp khắp các tỉnh ĐBSCL.
Mạnh tông là loại tre to, mọc khỏe, măng ngon. Loại này rất hợp với khí hậu và phong thổ của núi rừng, không cần phân bón mà vẫn xanh tốt, cho măng đều. Đặc biệt, cây lớn rất nhanh, sống ở độ cao trên núi từ 400 đến 500m so mới mặt nước biển. Thường vào đầu mùa mưa (khoảng tháng 4 đến tháng 5 âm lịch), măng tươi có giá rất cao, khoảng 20.000 đến 24.000 đồng/kg, nhưng đến thời điểm thu hoạch rộ (tháng 8, tháng 9 âm lịch) giá chỉ còn 3.000 đến 4.000 đồng/kg.
Ông Lê Văn Đủ, ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên có 1,8 ha đất rừng trên Núi Cấm. Khi cây rừng đã bén đất và bắt đầu phát triển thì ông cũng trồng xen tre mạnh tông lấy măng. Mười năm qua, gia đình ông sống chủ yếu nhờ thu hoạch măng từ 1.000 bụi tre này. “Vào vụ cứ 4-5 ngày, gia đình tôi thu hoạch một đợt măng 400-500kg. Lúc rộ nhất khoảng tháng 7 đến 8 âm lịch được 2 tấn mỗi đợt, thu nhập cũng khá lắm nhưng lúc rớt giá thì đầu ra khá vất vả”, ông Son nói. Ước tính mỗi vụ, gia đình ông thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng.
Tre mạnh tông rất dễ trồng. Thời điểm xuống giống tốt nhất là đầu mùa mưa. Sau 2 năm trồng cây bắt đầu cho măng, bình quân mỗi gốc tre trên 4 năm tuổi cho từ 50 - 80 kg/năm.
Măng được nhà vườn chở từ trên núi xuống chân núi để bán cho các vựa thu mua.
Măng được tập kết dưới chân núi và chuyển đi các nơi tiêu thụ. Tại khu vực dưới chân núi xã An Hảo, hiện có gần 10 vựa lớn nhỏ thu mua. Chị Nguyễn Thị Thảo, chủ vựa thu mua ở chân Núi Cấm cho biết, mỗi ngày chị thu mua từ 30 đến 50 tấn măng.
Tre mạnh tông rất đa dụng, măng tre là món ăn truyền thống, chế biến thành món dưa măng rất được nhiều người ưa thích. Thân tre dùng làm vật liệu xây dựng, làm thang leo, làm xề, rỗ, thúng…phổ biến nhất là ở nông thôn và miền núi. Măng lột vỏ bán giá cao gấp 2 đến 3 lần măng mới thu, còn nguyên vỏ.
Để măng được tươi và đẹp, bán có giá, thường các vựa thu mua sẽ cắt gọt phần gốc tận dụng làm dưa chua, còn phần non giao cho thương lái chuyển đi bán sỉ ở các nơi.
Vùng trồng măng mạnh tông nhiều nhất An Giang là 2 huyện miền núi Tịnh Biên và Tri Tôn.
Ông Phan Thanh Tài, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, cho biết, ở núi Cấm có 4 ấp trồng tre lấy măng, phần nhiều tre được trồng xen với rừng. Hộ trồng ít nhất cũng vài ba chục gốc, nhiều nhất đến cả vài ha. Một ha đất rừng có thể trồng xen được 1.000 bụi tre lấy măng. Khi tre phát triển mạnh sau vài năm có thể cho năng suất từ 80 đến 120 tấn/ha. Tiềm năng trồng tre dưới tán rừng lấy măng ở khu vực núi Cấm còn rất lớn, khả năng có thể cung ứng cho thị trường hàng ngàn tấn măng tươi mỗi năm.
Ngoài bán sỉ cho thương lái, nhiều người còn gánh măng đi bán lẻ cho khách đi đường, khách du lịch. Tuy nhiên, không phải năm nào người trồng tre lấy măng ở vùng núi này cũng có thu nhập cao. Vì cũng như nhiều cây trái khác ở ĐBSCL, măng luôn rơi vào cảnh trúng mùa mất giá.